Việt Nam thông thạo tiếng Anh hơn 53 quốc gia
Sáng nay (13.11), tổ chức Education First (EF) công bố xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu năm 2024 (EPI) sau khi phân tích kết quả kiểm tra 2,1 triệu người không phải người bản ngữ nói tiếng Anh, từ 18 tuổi trở lên, tại 116 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kết quả cho thấy, Việt Nam đứng thứ 63/116 khu vực với 498 điểm, giảm nhẹ cả về thứ hạng và điểm số so với năm trước (vị trí 58 với 505/800 điểm).
Theo EF, năm nay độ thông thạo của Việt Nam ở mức thấp, sau 2 năm liền ở mức trung bình. Đáng chú ý, chỉ hai giai đoạn Việt Nam có chỉ số thông thạo tiếng Anh ở mức thấp là năm 2011-2012 (những năm đầu EF tổ chức khảo sát) và 2019-2021 (giai đoạn Covid-19 bùng nổ). EF không đưa ra lý giải cụ thể về nguyên nhân Việt Nam rơi bậc và xuống nhóm thông thạo tiếng Anh thấp.
Tuy tổng thể ở mức thấp song ở từng khu vực tại Việt Nam lại có những mức điểm khác nhau. Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng dao động từ 516 - 524 điểm, được đánh giá ở mức trung bình. Còn các tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Huế, Nam Định, Thanh Hóa... thì lại thuộc nhóm thông thạo tiếng Anh thấp. Mặt khác, nhóm tuổi 26-30 sử dụng tiếng Anh tốt nhất cả nước với 522 điểm, theo EF.
Trong khi đó, tính riêng châu Á, Việt Nam xếp hạng 8/23 quốc gia, vùng lãnh thổ, giảm một bậc so với 2023 và xếp sau các nước như Singapore (609 điểm), Philippines (570), Malaysia (566), Hàn Quốc (523). Mặt khác, Việt Nam được EF đánh giá là có chỉ số thông thạo tiếng Anh cao hơn các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Ấn Độ (490), Trung Quốc (455), Nhật Bản (454), ngoài ra cũng cao hơn Thái Lan (415).
Năm nay, vị trí dẫn đầu thế giới vẫn thuộc về Hà Lan (636 điểm), theo sau là những cái tên quen thuộc như Na Uy, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch. Và trong số 9 quốc gia vào nhóm thông thạo tiếng Anh rất cao, duy chỉ có Singapore là đại diện đến từ châu Á, còn những nước khác đều tới từ châu Âu.
Bờ Biển Ngà, Somalia và Yemen là 3 quốc gia đứng "chót bảng" trong xếp hạng chỉ số thông thạo của EF.
Phương pháp xếp hạng ra sao?
Theo EF, điểm EPI mỗi quốc gia tính theo trung bình ba năm liên tiếp. Đầu tiên, EF tính điểm trung bình SET của tất cả người làm bài kiểm tra tại một quốc gia trong năm dương lịch trước. Sau đó, điểm này được tính trung bình với điểm EPI đã công bố của hai năm trước. Phương pháp trên giúp chỉ số ổn định, giảm thiểu biến động do thay đổi mẫu theo từng năm, theo EF.
Sau khi tính điểm các nước, EF dùng điểm này để tính điểm tổng hợp cho từng khu vực trên thế giới và điểm số toàn cầu. Các điểm này tính theo trọng số dân số của từng quốc gia, vùng lãnh thổ như điểm của Ấn Độ có trọng số lớn hơn Thái Lan khi tính điểm khu vực châu Á. Phương pháp này áp dụng cho mọi điểm EPI ở cấp siêu quốc gia (toàn cầu và khu vực, cùng với các phân tích theo giới tính và nhóm tuổi).
Theo phân tích từ chỉ số EPI năm 2024, EF nhận định tình trạng trình độ tiếng Anh trên toàn cầu đang giảm sút, bởi 60% quốc gia và vùng lãnh thổ giảm nhẹ về điểm số so với năm trước. Tuy nhiên, điểm tích cực là xu hướng giảm sút về trình độ tiếng Anh ở nhóm tuổi từ 18-20 đã chững lại trong năm 2024. Mặt khác, châu Á được "gọi tên" là khu vực giảm sút nhất về trình độ tiếng Anh so với các châu lục còn lại.
EF cho biết thêm, người trẻ ở độ tuổi lao động thành thạo tiếng Anh hơn sinh viên và người lớn trên 40 tuổi.
EF là tổ chức giáo dục thành lập vào năm 1965 đặt trụ sở tại Thụy Điển và có văn phòng tại Việt Nam. Đơn vị này bắt đầu đánh giá, xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh của các quốc gia từ năm 2011. Đến nay, chỉ số EPI được cho là khảo sát lớn nhất thế giới về kỹ năng tiếng Anh theo quốc gia, khu vực. Bài SET mà EPI lấy dữ liệu được thực hiện trực tuyến từ 15-50 phút tùy số lượng kỹ năng dự thi và hơn 90% người làm bài không phải học viên của EF.