Ngại cho con đi học mầm non vì sợ... dễ bệnh ?

16:37 - 13/11/2024

Nhiều phụ huynh nghĩ nên để trẻ ở nhà với ông bà, người giúp việc rồi 4 - 5 tuổi cho cứng cáp mới cho trẻ đi học mẫu giáo để đỡ bị bệnh hơn. Các bác sĩ, người làm giáo dục khuyên gì?

Thấy em bé 23 tháng tuổi vẫn ở nhà suốt với người giúp việc, hàng xóm hỏi chị Thương sao không cho con đi học mầm non. Chị Thương cười: "Em đợi cháu cứng cáp chút, giờ đi sợ sớm quá, tới lớp dễ bệnh (ốm) lắm".
Ngại cho con đi học mầm non vì sợ... dễ bệnh ?

Trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) được vui chơi, chăm sóc tại trường mầm non

ẢNH: THÚY HẰNG

TRẺ THIỆT THÒI KHI TRƯỜNG HỌC ĐÓNG CỬA VÌ ĐẠI DỊCH COVID-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, khuyên: "Phụ huynh không nên "ôm" con hoài ở nhà. Ôm như vậy hoài sao được. Trước sau trẻ cũng cần đi học. Đi học không phải chỉ là vấn đề dinh dưỡng, mà trẻ được tiếp xúc với cộng đồng, với nhóm tuổi của trẻ nữa. Thời kỳ đại dịch Covid-19 xảy ra, cách ly, giãn cách xã hội, trường học đóng cửa, con nít đã thiệt thòi như thế nào, mọi người chắc đã thấy rõ".

Do đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, phụ huynh cần thay đổi tư duy, yên tâm cho con đi học, song song với đó thì cần chăm sóc cho trẻ đủ dinh dưỡng, chích ngừa đầy đủ, cho trẻ ngủ đủ giấc, uống đủ nước. "Con nít đi học, thường sẽ bệnh vặt (ốm vặt) trong 3 - 6 tháng. Khi đón trẻ từ trường về nhà, không nên cho trẻ mặc tiếp bộ đồ trên lớp để chơi, mà cần thay đồ, lau mặt, nhỏ mũi cho trẻ. Khi cho con nít đi học mầm non thì lựa chọn trường lớp thông thoáng, không có bụi khói, không nằm ngủ lạnh quá", bác sĩ Trương Hữu Khanh tư vấn.

Tại TP.HCM, nhiều trường mầm non đủ điều kiện được phép giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, giúp nhiều người mẹ yên tâm gửi con khi nghỉ hết chế độ thai sản. Có người lại nhờ ông bà chăm con tới lúc 2 - 3 tuổi, tùy điều kiện gia đình. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay độ tuổi phổ biến để đưa trẻ tới trường mầm non là lúc trẻ từ 18 tháng tuổi.

ĐI HỌC ĐƯỢC NHIỀU CÁI LỢI

Bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Q.8, TP.HCM, khẳng định "dù ở nhà có người thân, ông bà hỗ trợ chăm sóc trẻ tốt tới đâu, thì trẻ vẫn cần tới trường mầm non". Theo bác sĩ Thanh Hà, khi đến trường mầm non, trẻ có rất nhiều cái lợi. Trẻ được ăn uống đầy đủ chất, ngủ nghỉ đúng giờ. Trẻ được học cách tự lập, các thầy cô giáo sẽ có phương pháp chăm sóc, giáo dục để trẻ biết tự phục vụ, từ những điều cơ bản như tự xúc ăn, lấy đồ chơi... Trẻ được cô giáo dạy làm quen chữ, số, được nghe kể chuyện, học múa hát, phát triển tư duy…

Bên cạnh đó, trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non với đầy đủ cơ sở pháp lý thì hằng năm đều được thăm khám sức khỏe ban đầu. Từ đó, trẻ được tầm soát sức khỏe, có thể phát hiện các trẻ thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng, phát hiện sớm một số tật, bệnh…

"Chúng ta thấy tình trạng phổ biến ở nhiều gia đình đô thị hiện đại, một nhà có mấy người lớn cùng chăm sóc, phục vụ một đứa trẻ. Đứa nhỏ chỉ cần la lên một cái là có người ẵm, la lên một cái là có người bón cho ăn, chỉ cái ti vi là có người mở giúp… Như vậy, dần dần đứa trẻ không có sự tự giác, sinh ra sự ỷ lại", bác sĩ Thanh Hà nói.

Đặc biệt, theo bác sĩ Thanh Hà, môi trường trường học cho trẻ có bạn bè, thầy cô, có sự kết nối, giao tiếp. Trẻ đang trong giai đoạn học nói sẽ phát triển nhanh về ngôn ngữ. "Vừa qua, có nhiều phụ huynh có con sinh trong khoảng năm 2019 tới 2021 - thời điểm đại dịch, giãn cách xã hội, trường học đóng cửa - họ đã tới bệnh viện, tìm gặp bác sĩ và hỏi sao con bị chậm nói, hoặc có xu hướng không muốn chơi với các bạn khác, cách khắc phục ra sao… Điều này càng khẳng định được vai trò quan trọng của trường học. Trẻ cần được đi học mầm non sớm, chứ không phải đợi tới 4 - 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1 thì trẻ mới được đưa đến trường", bác sĩ Thanh Hà nhấn mạnh.

Bác sĩ Thanh Hà cũng lưu ý: "Trẻ trong độ tuổi mầm non sẽ bệnh vặt như ho, sổ mũi, sốt mọc răng… là bình thường. Phụ huynh phải cho trẻ đi chích ngừa các mũi phòng ngừa đầy đủ các bệnh như sởi, bạch hầu, rubella…, chích ngừa đúng lịch theo đúng độ tuổi, lời nhắc của bác sĩ. Kế đó, phụ huynh cũng cần cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, đi ngủ sớm để trẻ ngủ đủ giấc và phải theo dõi sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ bị sốt, mệt, có những biểu hiện bất thường ở ngoài da, tay, chân, miệng… thì nên cho trẻ nghỉ học, đồng thời phải đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, kê đơn thuốc, tuyệt đối không tự ý ra nhà thuốc để mua thuốc cho con uống.

Ngại cho con đi học mầm non vì sợ... dễ bệnh ?

Đến trường, trẻ được học cách tự lập, biết tự phục vụ từ những điều cơ bản như tự xúc ăn, lấy đồ chơi...

ẢNH: THÚY HẰNG

NGƯỜI CẦN VỮNG TÂM LÝ LÀ PHỤ HUYNH

Cô Nguyễn Thị Minh Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Mi Mon, P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM, kể nhiều ví dụ, trẻ đang ở nhà quen với cha mẹ, ông bà, khi đưa trẻ tới môi trường xa lạ là trường học thì chắc chắn đứa trẻ sẽ khóc trong vài ngày đầu. Thay đổi môi trường, trẻ cũng có thể ốm vặt, phụ huynh đừng quá lo lắng. "Nhiều người thấy đứa nhỏ khóc quá là xót con, xót cháu, ngồi canh camera cả ngày hoặc đứng canh ở cổng trường, xem cô giáo làm gì em bé không. Có người thấy trẻ khóc là cho nghỉ luôn ở nhà. Con nít rất khôn, cứ thấy khóc là được nghỉ học, nên từ sau bé chỉ cần khóc là sẽ được ở nhà. Như vậy không nên. Phụ huynh phải vững tâm lý", cô Minh Hương khuyên.

"Khi trẻ ở nhà với ông bà, cha mẹ, người giúp việc thời gian dài, các bé ít được tiếp xúc, kết nối, giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa nhưng lại dành thời gian nhiều vào ti vi, iPad, điện thoại... Nhiều trường hợp, các bé người Việt nhưng được ông bà, người giúp việc mở YouTube cho xem video tiếng Anh suốt ngày, nhiều bé chậm nói, hoặc chỉ nói giỏi tiếng Anh mà rất chậm nói tiếng Việt", cô hiệu trưởng cho hay.

Theo cô Minh Hương, trước khi cho con đi học, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ lưỡng cơ sở giáo dục mầm non mà mình sẽ gửi con. Phải tìm những trường mầm non đầy đủ pháp lý, uy tín, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đảm bảo (được công khai tại cơ sở dữ liệu ngành giáo dục TP.HCM, https://pgdmamnon.hcm.edu.vn/congkhaicosogiaoduc). Sau đó, cần tham khảo ý kiến các phụ huynh, giáo viên khác, có thể cho con học thử trước 1 - 2 ngày để quan sát, theo dõi sự thích nghi của trẻ. Đồng thời theo cô Minh Hương, nếu gia đình có thuê bảo mẫu, người giúp việc chăm trẻ tại nhà 12 tiếng hoặc 24 tiếng/ngày cũng cần quan sát, chú ý kỹ lưỡng cách những người này chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh, an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Nhiều lựa chọn cho phụ huynh

Tại TP.HCM, đề án chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ từ 6 - 18 tháng của TP.HCM đến nay đã được triển khai khắp 21 phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Mỗi quận, huyện, TP.Thủ Đức đều có quy hoạch sẵn các trường mầm non công và ngoài công lập, lớp mầm non độc lập, tuân thủ đúng Thông tư 49 của Bộ GD-ĐT có trông giữ trẻ độ tuổi 6 - 12 tháng, 13 - 18 tháng (các cơ sở có thể ghép 2 nhóm tuổi này thành một, vì số lượng trẻ ở độ tuổi 6 - 12 tháng ở các cơ sở không đông). Tại các cơ sở này, giáo viên luôn được bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức để chăm sóc trẻ tốt, được tập huấn, xây dựng các phương án phối hợp với y tế, các cơ quan ban ngành… Giáo viên mầm non chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ 6 - 18 tháng vất vả hơn, nên các giáo viên này cũng có chế độ chính sách đặc thù của TP.HCM.

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các trường, lớp giữ trẻ độ tuổi 6 - 12 tháng và 13 - 18 tháng đòi hỏi phải đầu tư cơ sở vật chất lớn hơn lớp thông thường, đảm bảo an toàn cho trẻ… Với độ tuổi này, mỗi cô giáo phụ trách ít trẻ hơn, như một giáo viên chăm 3 - 4 trẻ, hoặc 1 giáo viên phụ trách 5 - 6 trẻ.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...