Theo thiếu tướng Oanh, các cơ sở giáo dục trong quân đội đã có kinh nghiệm đào tạo ĐH và sau ĐH đối tượng dân sự. Hơn 22 năm qua (từ năm 2001) Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong quân đội đào tạo được trên 93.000 học viên, sinh viên dân sự ở các trình độ, cung cấp nguồn nhân lực góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và củng cố quốc phòng an ninh của đất nước.
Đến năm 2020 thì dừng tuyển sinh đào tạo để điều chỉnh tổ chức biên chế hệ thống nhà trường quân đội. Đến nay, hệ thống nhà trường quân đội đã được điều chỉnh, sắp xếp tinh, gọn, mạnh, chuyên sâu, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và hòa nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân, có đủ các điều kiện để tiếp tục đào tạo (quân đội đã giải thể 63 trường quân sự tỉnh, thành phố; 13 trường cao đẳng, trung cấp nghề; 7 trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm).
Chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo cục quân đội như Học viện Chính trị, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Khoa học quân sự… đã được khẳng định và được sự tin tưởng của xã hội và người học. Học viện Quân y là cơ sở giáo dục duy nhất toàn quốc đủ điều kiện để đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú, sau ĐH chuyên ngành bỏng. Học viện Kỹ thuật quân sự có ưu thế đào tạo các ngành kỹ thuật lưỡng dụng như: điện tử viễn thông, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, vi điện tử, công nghệ nano, công nghệ hóa học môi trường, CNTT, tự động hóa…
Mới đây (27.10), 14 chuyên gia trẻ tuổi của Viettel đã giành ngôi vô địch tại cuộc thi tấn công mạng uy tín nhất thế giới. Đây là cuộc thi được ví như "cuộc chiến" với những nhà sản xuất các thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới. Hầu hết thành viên của đội đều được đào tạo tại Học viện Kỹ thuật quân sự.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, Israel - Hamas, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm xuất hiện hình thái, phương thức chiến tranh mới đó là tấn công mạng.
Tấn công mạng không chỉ ở lĩnh vực quốc phòng, an ninh mà còn ở lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, do đó nhu cầu nguồn nhân lực về các lĩnh vực an toàn thông tin, truyền thông đa phương tiện, công nghệ cơ khí - tự động hóa, điện - điện tử, ngôn ngữ nước ngoài… thời gian tới sẽ là rất lớn. Với ưu thế nổi bật trong đào tạo lĩnh vực này, các trường quân đội càng nên tham gia đào tạo cho hệ dân sự.
Thiếu tướng Oanh còn nêu một số lý do khác nhằm khẳng định việc một số cơ sở giáo dục trong quân đội tiếp tục tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ NCH, HĐH đất nước là rất cần thiết.
"Trong kết luận của Quân ủy T.Ư ngày 20.10 vừa qua thể hiện quan điểm chỉ đạo của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng là các trường quân đội chỉ đào tạo hệ dân sự những lĩnh vực, ngành xã hội có nhu cầu cao, cấp thiết, mang tính lưỡng dụng, với số lượng hợp lý tại 8 cơ sở giáo dục có thế mạnh, tiềm năng (quy mô tuyển sinh tối đa hàng năm 2.000 học viên, sinh viên ở 3 trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ)", thiếu tướng Oanh cho biết.