Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 vừa qua về tự chủ ĐH đã bộc lộ một số hạn chế. Nhận thức và kỳ vọng của các bên liên quan khác nhau (đặc biệt là giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư tư nhân) về tự chủ ĐH. Đôi khi đồng nhất tự chủ ĐH với tự chủ tài chính, điều này dẫn tới một số cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý mới chú trọng tới cắt giảm ngân sách đầu tư và chi tiêu thường xuyên; chưa chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định quản lý phù hợp. Nhiều quy định trong các văn bản hiện hành không phù hợp với tự chủ của GDĐH, thậm chí còn hạn chế xu hướng tự chủ của GDĐH. Việc triển khai tự chủ ĐH thiếu một lộ trình rõ ràng, các cơ sở GDĐH đang tồn tại dưới nhiều hình thức với mức độ tự chủ khác nhau; cơ chế thị trường để các cơ sở GDĐH tự chủ cạnh tranh bình đẳng với nhau chưa được hoàn thiện.
Đáng nói, một số cơ sở GDĐH e ngại không muốn được tự chủ do chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của tự chủ. Một số khác thì nghĩ đơn giản tự chủ ĐH đơn thuần là tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, những nội dung tự chủ khác (xây dựng và thực hiện chiến lược, đào tạo, tuyển sinh, học thuật, tổ chức, nhân sự) chưa được chú trọng. Mặt khác, còn nhiều trường hiểu sai quyền tự chủ là quyền được "tự quyết định mọi việc" nên không chú ý tới các quy định của pháp luật, lúng túng trong việc triển khai, thậm chí làm sai quy định.
Để phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục VN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ngành GD-ĐT cần kiên trì, kiên định tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 trong bối cảnh mới. "Để tiếp tục phát huy hiệu quả thực sự của tự chủ ĐH, chúng tôi mạnh dạn đề nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT xem xét xây dựng nghị định mới về tự chủ ĐH để tạo sự đột phá cho sự phát triển trong bối cảnh mới. Trong đó chú ý tới việc tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở, đảm bảo bình đẳng giữa các cơ sở và giữa các mô hình tự chủ…", PGS Tuấn đề xuất.
PGS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cũng cho rằng nếu các trường ĐH tự chủ mà không có được sự hỗ trợ của nhà nước, của doanh nghiệp, của xã hội, thì trong thời gian tới hệ thống sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự cạnh tranh với các nước trong khu vực, các nước trên thế giới. "Chúng ta đang làm những nhiệm vụ rất căn cốt như đào tạo nguồn nhân lực cho chip bán dẫn, nếu lấy học phí làm chi phí thường xuyên, nếu cứ tự chủ theo cách như hiện nay, thì không bao giờ sánh kịp với các nước trên thế giới", PGS Bắc nêu ý kiến.
"Giao nhiệm vụ" cho trường quân đội đào tạo hệ dân sự
Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), đề nghị Bộ GD-ĐT bổ sung vào dự thảo báo cáo tổng kết và dự thảo kết luận của Bộ Chính trị nội dung "Một số cơ sở giáo dục trong quân đội tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (thường gọi là đối tượng dân sự) ở một số lĩnh vực cấp thiết".
Theo thiếu tướng Oanh, các cơ sở giáo dục trong quân đội đã có kinh nghiệm đào tạo đối tượng dân sự này. Hơn 22 năm qua (từ năm 2001), Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong quân đội đào tạo được trên 93.000 học viên, sinh viên dân sự ở các trình độ. Đến năm 2020 thì dừng tuyển sinh đào tạo để điều chỉnh tổ chức biên chế hệ thống nhà trường quân đội. Đến nay, hệ thống nhà trường quân đội đã được điều chỉnh, sắp xếp tinh, gọn, mạnh, chuyên sâu, hiện đại, phù hợp với thực tiễn và hòa nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân, có đủ các điều kiện để tiếp tục đào tạo.
Chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục quân đội như Học viện Chính trị, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Khoa học quân sự… đã được khẳng định và được sự tin tưởng của xã hội và người học. Vì thế, việc tham gia đào tạo hệ dân sự những lĩnh vực, ngành xã hội có nhu cầu cao, cấp thiết, mang tính lưỡng dụng, với số lượng hợp lý tại 8 cơ sở giáo dục có thế mạnh, tiềm năng là rất cần thiết.