Thông qua kết quả tuyển sinh, Sở GD-ĐT đánh giá bản đồ GIS đã giúp cho các phòng GD-ĐT có thể phân bổ học sinh vào các trường một cách uyển chuyển, linh hoạt, so với phân bổ theo hộ khẩu. Công tác tuyển sinh được công khai, có cơ sở minh chứng đầy đủ và được lưu trữ trên hệ thống, giúp tăng sự hài lòng, đồng thuận của phụ huynh học sinh trong công tác tuyển sinh.
Cũng tại buổi sơ kết công tác khảo thí, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho hay, trên cơ sở rút kinh nghiệm về công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, Sở đề ra một số giải pháp và mục tiêu đảm bảo quyền lợi tối đa học tại các trường công lập cho học sinh đồng thời từng bước giảm dần tỷ lệ học sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ tại các trường công lập.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay hiện Sở đang xây dựng các phương án thay đổi toàn bộ quy trình xét các nguyện vọng chuyên và thường ở các trường THPT công lập. Các phương án này được xây dựng trên cơ sở phấn đấu đảm bảo đạt được các mục tiêu như: Rút ngắn thời gian công bố kết quả; hỗ trợ học sinh tăng khả năng trúng tuyển vào các trường công lập theo nguyện vọng đăng ký; giảm dần số lượng học sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ nhập học.
"Những năm trước, thời gian chờ công bố kết quả tuyển sinh thường kéo dài khoảng một tháng; vì vậy Sở sẽ tính toán các phương án thực hiện sao cho rút ngắn khoảng cách để giảm bớt sự chờ đợi, lo lắng, hồi hộp của phụ huynh, học sinh", ông Nam cho biết.
Trong buổi sơ kết công tác khảo thí, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, thông tin năm học 2024-2025, ngoài Trường THCS Trần Quốc Toản 1, địa phương này sẽ có thêm 2 trường THCS thực hiện tuyển sinh lớp 6 tương tự như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là Hoa Lư và Bình Thọ.