"Trong cuộc họp chiều nay thì đa số cán bộ, giảng viên thống nhất tiếp tục làm việc cho đến hết ngày 31.12, chờ nguồn hỗ trợ từ UBND tỉnh để có kinh phí chi trả lương", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, cũng có vài ý kiến cá nhân nhưng không ảnh hưởng gì đến việc dạy và học. Nhà trường đang sắp xếp cho học sinh, sinh viên tiếp tục việc học để không ảnh hưởng gì đến quá trình học tập của các em.
Hiện Ban cán sự Đảng cũng đã trình Tỉnh ủy và đang chờ Ban thường vụ Tỉnh ủy họp để có chỉ đạo nhằm tháo gỡ việc nợ lương kéo dài này.
"Thông tin 27 cán bộ, giảng viên chính thức ngừng việc tập thể là không đúng. Tổng cộng 27 cán bộ, giảng viên của 3 khoa gồm khoa Điều dưỡng, khoa Y cơ sở và khoa Y của nhà trường trước đó đã họp và có biên bản gửi lên Ban giám hiệu để đề nghị sẽ ngừng làm việc vào một ngày cụ thể, chứ không phải họ ngừng dạy luôn thời điểm này. Tuy nhiên, sau cuộc (họp-PV) chiều nay tôi giải quyết xong rồi, tất cả đều thống nhất làm việc trở lại cho đến hết ngày 31.12, không có ai nghỉ cả", ông Tuấn thông tin.
Cũng theo ông Tuấn, tại cuộc họp chiều nay (19.12) có vài cá nhân xin vắng vì một số lý do nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhà trường.
Ông Huỳnh Tấn Tuấn cho rằng, nguyên nhân khiến nhà trường nợ lương kéo dài là vì từ năm 2017 công tác tuyển sinh gặp khó khăn, không đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Năm nay, trường cơ bản đạt chỉ tiêu (chỉ tiêu 200 sinh viên, tuyển sinh được 195 em).
Đáng chú ý, năm nay, nhà trường được UBND tỉnh cấp cho 8,6 tỉ đồng nhưng đã bị giảm trừ mất 3,8 tỉ đồng vì nợ ngân sách các năm trước (do không đạt chỉ tiêu), vì vậy số tiền còn lại không đủ chi phí để trả lương.
Thêm một nguyên nhân khác là hiện nay toàn nhà trường có khoảng 500 sinh viên theo học, nhưng có đến 5/6 ngành được đưa vào diện độc hại nguy hiểm nên chỉ thu học phí 70%; chưa kể học sinh Lào theo học tại trường cũng đều miễn học phí.
Cũng theo ông Tuấn, một hai thầy cô nếu nghỉ thì đơn giản, để cả một tập thể nghỉ cùng lúc thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học tập của học sinh, sinh viên. Trong môi trường giáo dục, nếu điều này (ngừng việc tập thể - PV) xảy ra thì vô cùng đau xót.
Trước thông tin giảng viên ngừng việc tập thể, nhiều sinh viên theo học tại Trường CĐ Y tế Quảng Nam tỏ ra vô cùng lo lắng.
"Việc thông tin thầy cô ngừng việc tập thể khiến bản thân em cũng như các bạn rất buồn và lo lắng. Em chỉ còn một năm nữa là ra trường, em sợ thời gian học sẽ kéo dài", nam sinh viên năm cuối khoa Điều dưỡng buồn bã nói.
Như Báo Thanh Niên đã thông tin, ngày 14.12, có 17 cán bộ, giảng viên Trường CĐ Y tế Quảng Nam gửi thông báo quyết định ngừng việc tập thể tới lãnh đạo nhà trường.
Trong thông báo, 17 cán bộ, giảng viên của khoa Điều dưỡng và khoa Y tế cơ sở cho biết sẽ ngừng việc từ ngày 18.12 cho tới khi nhà trường giải quyết chế độ lương và phụ cấp.
Theo các giảng viên, nhà trường đã không thanh toán tiền lương và phụ cấp cho họ trong thời gian 6 tháng, tính từ tháng 7.2023 đến nay. Các cán bộ, giảng viên vẫn cố gắng lên lớp vì không muốn ảnh hưởng tới việc học tập của sinh viên. Tuy nhiên, do thời gian nợ lương kéo dài, đời sống của nhiều cán bộ giảng viên đã rơi vào cảnh rất khó khăn nên không thể tiếp tục công việc.
Vấn đề nợ lương người lao động của Trường CĐ Y tế Quảng Nam đã kéo dài suốt thời gian qua. Tính đến nay, nhà trường nợ 6 tháng lương của 114 người lao động, với tổng số tiền hơn 5,7 tỉ đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn bị chậm đóng bảo hiểm nhiều tháng nay.