Trong khuôn khổ Chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam Aus4Skills-AAGF (Úc tài trợ), Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM đã phối hợp với Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo "Báo cáo đề xuất tăng cường sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và hòa nhập xã hội trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực logistics" vào cuối tuần qua.
Nhiều ngành lĩnh vực logistics phù hợp với nữ
Tại hội thảo, Nguyễn Ngọc Yến Phương, sinh viên ngành logistics, Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật TP.P.HCM, cho biết lúc còn là học sinh THPT, bản thân không bao giờ nghĩ mình sẽ học ngành logistics vì nghĩ đây là ngành đòi hỏi nhiều sức khỏe, chỉ dành cho nam giới.
"Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, em nhận thấy logistics rất rộng, có nhiều ngành, nghề và vị trí việc làm phù hợp với phái nữ như logistics, hành chính logistics, thương mại điện tử, quản lý giao nhận hàng hóa, quản lý vận tải và dịch vụ logistics… Hiện nay bên cạnh việc học tại trường, em còn được đi kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp để làm quen với thực tế", Phương kể lại.
Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, thành viên nhóm nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và hòa nhập xã hội trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực logistics, cho biết: "Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng người học các ngành logistics trong những năm gần đây tăng cao, đặc biệt là tại các trường đang là đối tác của dự án thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành logistics với giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam do Chính phủ Úc tài trợ (thuộc Chương trình Aus4Skills). Trong đó, tỷ lệ người học là nữ từ khu vực nông thôn, miền núi ngày một tăng".
Theo ông Quản, khoảng hơn 85% sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp. Tại các doanh nghiệp về logistics, lao động nữ chiếm tỷ lệ ngày càng cao, tập trung nhiều ở các vị trí dịch vụ hỗ trợ, kinh doanh thương mại điện tử, hành chính….
Tạo điều kiện cho phụ nữ, người yếu thế tiếp cận giáo dục nghề nghiệp
Ông Hoàng Thái Sơn, hiện đang công tác tại Cục Quản lý và chất lượng, Bộ GD-ĐT là trưởng nhóm nghiên cứu về GEDSI (Chiến lược bình đẳng giới, khuyết tật và hòa nhập xã hội), nhận định các nội dung về GEDSI đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức liên quan thực hiện khá tốt, tạo cơ hội cho phụ nữ, người khuyết tật và đối tượng thiệt thòi khác tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp, lao động và việc làm.
"Nhất là trong lĩnh vực logistics, chất lượng đào tạo ngày càng cao, nhu cầu nhân lực lớn đã giúp người học có nhiều cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập hơn. Bên cạnh đó, xã hội đang dần công nhận vai trò, khả năng và sự đóng góp của phụ nữ, người khuyết tật…, làm cho các đối tượng này bắt đầu nhận thấy môi trường học tập phù hợp hơn, nhiều cơ hội nghề nghiệp và việc làm bền vững hơn trong lĩnh vực logistics", ông Sơn chia sẻ.
Để tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và hòa nhập xã hội trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực logistics, PGS-TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II, cho rằng một trong các giải pháp quan trọng nhất là phải đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, đào tạo phải đáp ứng thị trường lao động và việc làm; động viên, khích lệ phụ nữ, người khuyết tật và đối tượng thiệt thòi tham gia hơn nữa vào lĩnh vực logistics.
Ông Chu Văn Vượng, Giám đốc nhân sự, Công ty Cổ phần Thống nhất Hà Nội, đề xuất nhà trường và doanh nghiệp cùng nhau xây dựng các quỹ hỗ trợ sinh viên vượt khó trong học tập, chia sẻ thông tin bao gồm thông tin về chương trình đào tạo, kiến thức, kỹ năng, thời gian và môi trường làm việc ở từng vị trí việc làm trong sự đa dạng các ngành, nghề của lĩnh vực logistics.