Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Những điều cần làm ngay khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều nay (17.7).
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.
Điểm sàn và điểm chuẩn khác nhau ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho hay điểm sàn và điểm chuẩn có thể giống hoặc khác nhau tùy trường. Trong đó, điểm sàn là điểm tối thiểu nhận hồ sơ nhưng điểm chuẩn tùy thuộc vào chỉ tiêu, tình hình hồ sơ thí sinh nộp vào từng ngành cụ thể. Có ngành điểm chuẩn sẽ bằng điểm sàn nhưng có ngành sẽ cao hơn nhiều. Thí sinh có thể tham khảo các mức điểm này ở các trường trong các năm gần đây. Riêng tại Trường ĐH Công thương TP.HCM, tiến sĩ Khả cho biết năm nay dự kiến điểm sàn các ngành của trường không thay đổi nhiều so với năm ngoái.
Nói thêm sự khác nhau giữa điểm sàn và điểm chuẩn, ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, phân tích: "Điểm sàn là mức điểm tối thiểu thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ. Từ những thí sinh đủ điều kiện đăng ký vào một ngành, hội đồng tuyển sinh các trường sẽ lấy thí sinh có điểm từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu. Mức điểm thấp nhất thí sinh trúng tuyển vào ngành chính là điểm chuẩn. Tùy theo ngành, điểm chuẩn có thể bằng điểm sàn hoặc cao hơn".
Liên quan đến điểm sàn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ông Huy cho biết năm 2023, điểm sàn các ngành của trường từ 16-19 điểm. Một số ngành của trường điểm chuẩn năm ngoái khá cao, dự kiến năm nay cũng tương tự như: truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa…
Thạc sĩ Đinh Công Viễn Phương, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, cho hay những năm trước điểm sàn của trường thường từ 15 điểm trở lên, dự kiến năm nay cũng không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, điểm chuẩn các ngành sẽ phụ thuộc vào tình hình thí sinh nộp hồ sơ thực tế. Như năm ngoái, điểm chuẩn các ngành của trường xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều mức khác nhau, trong đó một số ngành lên tới 23-24 điểm.
Để chính thức trúng tuyển, thí sinh trúng tuyển sớm cần làm gì?
Liên quan đến thí sinh trúng tuyển sớm, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả phân tích: "Xét tuyển sớm là các phương thức xét tuyển không dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, như: xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển… Có thể nói phương thức xét tuyển sớm tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh trong xét tuyển và giảm áp lực thi cử".
Tuy nhiên, tiến sĩ Khả lưu ý, dù đã trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn cần thực hiện các bước đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT như thí sinh chưa trúng tuyển sớm. Điểm khác biệt chỉ ở chỗ, thí sinh trúng tuyển sớm chỉ cần đặt ngành mình đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng 1 là chắc chắn trúng tuyển. Trong khi đó, thí sinh chưa trúng tuyển sớm thì kết quả còn phụ thuộc tình hình xét tuyển cụ thể của ngành đó.
Bổ sung thêm thông tin, thạc sĩ Đinh Công Viễn Phương cũng cho rằng trên cổng xét tuyển của Bộ GD-ĐT, thí sinh trúng tuyển sớm chỉ cần chọn 1 ngành đủ điều kiện trúng tuyển để đặt nguyện vọng 1, chắc chắn sẽ chính thức trúng tuyển. Nhưng thí sinh trúng tuyển sớm vẫn có thể bị "trắng tay" nếu không đỗ tốt nghiệp THPT, không thực hiện các bước đăng ký ngành đã trúng tuyển sớm lên hệ thống của Bộ. Do đó, thí sinh cần chú ý thực hiện tất cả các bước đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí và xác nhận nguyện vọng trên hệ thống theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT trong thời gian quy định.
Cảnh báo thí sinh trúng tuyển sớm, ông Vũ Quang Huy kể lại: "Năm ngoái, có thí sinh muốn học tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhưng lại đặt nguyện vọng 1 vào trường khác. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 ở trường khác, thí sinh sẽ không được xét tuyển tiếp nguyện vọng sau vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Cuối cùng, thí sinh rơi vào tình trạng trúng tuyển nhưng không như mong muốn".
Từ đó, ông Huy khuyên thí sinh cần hết sức lưu ý trong việc đặt thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển. "Chỉ cần nhớ rằng ngành muốn học nhất hãy đặt ở nguyện vọng 1 và các ngành còn lại giảm dần theo thứ tự ưu tiên. Dù theo quy chế, thí sinh trúng tuyển đợt 1 không muốn nhập học vẫn có quyền từ chối xác nhận nhập học. Nhưng ở đợt sau không phải trường nào cũng xét tuyển bổ sung, nếu có điểm chuẩn ít nhất cũng bằng từ đợt 1 trở lên", đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nói thêm.