Cao hơn điểm trung bình của cả nước
Theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT từ năm 2017 đến nay, TP.HCM là địa phương có điểm trung bình môn tiếng Anh dẫn đầu cả nước liên tiếp trong 8 năm qua.
Đồng thời, cũng từ năm 2017 đến năm 2024, điểm trung bình môn tiếng Anh của TP.HCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn cao hơn so với điểm trung bình môn này của cả nước, dao động từ 1,14 điểm đến 1,42 điểm. Trong đó, năm 2019 điểm trung bình của TP cao hơn nhiều nhất, với 1,42 điểm.
Bảng số liệu thống kê và so sánh điểm trung bình môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT của TP.HCM so với cả nước từ năm 2017 đến nay như sau:
Kết quả của hành trình 26 năm
Từ kết quả môn thi tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT trong vòng 8 năm qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những phân tích, đánh giá và nêu lý do để TP.HCM đạt được thành tích trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cách đây 26 năm, tức vào năm học 1998-1999, TP.HCM triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh bắt đầu từ lớp 1 và áp dụng đầu tiên tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1) với gần 100 học sinh. Chương trình không chỉ đáp ứng nhu cầu tiếp cận, học tiếng Anh của học sinh ngay từ bậc tiểu học mà quy mô phát triển của chương trình này từ đó đến nay đã đào tạo cho học sinh năng lực ngoại ngữ và trau dồi các kỹ năng nghe nói đọc viết theo chuẩn quốc tế. Ngay thời điểm đó, nhiều chuyên gia giáo dục đã đánh giá đây là chương trình hay và đi trước thời đại bởi sau đó đến năm 2010, Bộ GD-ĐT mới triển khai dạy tiếng Anh từ lớp 3.
Sau đó, hơn 10 năm gần đây, TP.HCM triển khai Đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh quốc và Việt Nam" theo Quyết định số 5695/QĐ-UBND ngày 20.11.2014 của UBND TP.HCM" (gọi tắt là tiếng Anh tích hợp). Đây là chương trình được biên soạn tích hợp chương trình phổ thông của Vương quốc Anh với chương trình phổ thông của Việt Nam cho 3 môn tiếng Anh, toán, khoa học chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất của học sinh. Học sinh học các môn tiếng Anh và toán, khoa học hoàn toàn bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài.
Nhằm hướng đến mục tiêu chuẩn bị cho học sinh năng lực, kỹ năng về ngoại ngữ, TP.HCM còn có mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập góp phần trang bị cho các học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế, trở thành công dân đáp ứng nhu cầu của thành phố thông minh. Học sinh được tham gia các chuẩn đánh giá quốc tế, bước đầu tiếp cận những tiện ích công nghệ trong học tập và sinh hoạt. Điều này góp phần nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh tương đương với nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả 8 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Bảo Quốc khẳng định, không thể không kể đến sự đầu tư của phụ huynh học sinh, quan tâm đến trang bị năng lực ngoại ngữ cho con em từ rất sớm. Đến thời điểm này, TP.HCM có gần 800 trung tâm ngoại ngữ, tin học, trong đó có 102 cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy nhu cầu của phụ huynh học sinh trong việc học tiếng Anh là rất lớn.
Đồng thời, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho biết đây là kết quả của nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá của giáo viên, nhà trường từ cấp tiểu học đến THPT trong nhiều năm qua.