Đúng 11 giờ ngày 2.6, sau 150 phút làm bài, trên 39.000 thí sinh chính thức kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng là đợt thi cuối cùng trong năm 2024. Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Nguyễn Huỳnh Vân Phương, học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết một trong những câu khiến em "đứng hình" là, "Việt Nam có tổng cộng bao nhiêu hòn đảo?".
Các đáp án được đưa ra là dao động trong khoảng 1.000-5.000 hòn đảo. "Nhưng em chỉ đành 'lụi' vì câu này không được nhắc đến trong nội dung ôn tập nào. Tụi em cũng được phép cầm theo Atlat nhưng không thể nào dành thời gian ngồi đếm mấy ngàn đảo được", nữ sinh chia sẻ, cho biết thêm em dự kiến sẽ đạt 850-900 điểm và hy vọng trúng tuyển vào ngành cơ điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Là bạn cùng trường với Phương, Đinh Hoàng Long cho hay cả 2 đều thi 2 đợt đánh giá năng lực. "Em không thể nhận xét đề khó hay dễ vì nó phụ thuộc vào thế mạnh của mỗi người. Với em, bài đọc môn sinh khá khó nhằn. Em hy vọng sẽ đạt từ 900 điểm trở lên để cạnh tranh vào ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM", Long cho hay.
Trần Hứa Dĩ Hòa, học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết gặp khó ở phần tư duy logic, một trong những nội dung "lạ" xuất hiện trong đề đánh giá năng lực. Tương tự, N.H.H.C, học cùng trường, cũng đối diện với nhiều thử thách ở phần tự nhiên. "Em cũng 'đứng hình' với câu 'bao nhiêu hòn đảo' và câu tìm từ đồng nghĩa với chữ 'bẻ', là bứt hay bứng... ở phần tiếng Việt", nữ sinh cho hay.
Cũng thấy khó ở phần tiếng Việt, Trương Minh Trí, học sinh Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết đề hỏi về thời gian ra đời của một tập thơ do Nguyễn Trãi viết. "Nhìn chung, em thấy văn đợt này khó hơn đợt 1 em thi, nhưng môn lý lại dễ hơn", Trí nhìn nhận, nói thêm em nhắm đến mức điểm hơn 800 để ứng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh của ĐH Kinh tế TP.HCM.
Bùi Long Đức, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, đánh giá phần vật lý khá dễ bởi chỉ cần suy luận từ kiến thức căn bản, đồng thời có thêm câu lý thuyết để "gỡ điểm" thay vì hầu hết là giải toán như đợt 1. Với hóa, đề ra những câu lý thuyết chủ yếu trong lớp 12, trong khi đó bài đọc, còn phần bài đọc tương tự như đợt 1. "Toán đợt này cũng dễ hơn, từ phân tích số liệu đến tư duy logic", nam sinh nói.
Với môn sử, địa, Đức cho hay thí sinh cần có kiến thức nền rộng kết hợp với kỹ năng đọc hiểu mới có thể làm tốt. Trong khi đó, môn văn lần này "hơi khó" do có nhiều phần điền từ vào chỗ trống và tìm từ đồng nghĩa.
Trong đợt 2, có 34 cơ sở giáo dục ĐH phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực. Thí sinh làm bài thi trong buổi sáng tại 4 khu vực là Trung và Nam Trung bộ (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận), Tây nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng), Đông Nam bộ (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu) và Tây Nam bộ (Tiền Giang, An Giang, Cà Mau).
Theo thông tin do Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố, năm nay dự kiến có 105 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển một phần chỉ tiêu. Thí sinh làm bài thi trên giấy theo hình thức trắc nghiệm, gồm 120 câu hỏi trong 150 phút. Độ khó câu hỏi được chia theo 3 cấp độ: cấp độ 1 chiếm 30%, cấp độ 2 chiếm 40% và cấp độ 3 chiếm 30%.
Trước đó, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố kết quả 93.828 bài thi đánh giá năng lực đợt 1, điểm trung bình của thí sinh là 643,4 và 80 thí sinh đạt trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ thi là 1.076 và thí sinh có điểm thi thấp nhất là 203.