Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết số thí sinh đã hoàn tất thủ tục đăng ký dự thi đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực là 40.455. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt năm 2024 chiếm tỷ lệ gần 27% tổng số thí sinh dự thi.
Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), có nhiều thí sinh tham dự lần 2 kỳ thi này trong năm.
Học sinh Cao Thông (Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) là thí sinh đã đạt 1.036 điểm trong đợt 1. Thông có nguyện vọng đăng ký ngành khoa học máy tính Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP.HCM). Việc đăng ký dự thi lần 2, thí sinh này cho biết khá thoải mái nhưng vẫn hy vọng có thể đạt điểm tốt hơn nữa để chắc chắn cơ hội trúng tuyển ngành học của trường ĐH từng lấy điểm chuẩn trên 1.000 này.
Cũng tham dự lần 2 kỳ thi này, học sinh Phong Linh (Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) khá thoải mái chia sẻ: "Em đã đủ điều kiện trúng tuyển vào chương trình cử nhân tài năng ĐH Kinh tế TP.HCM theo phương thức xét dựa vào kết quả học tập THPT. Tuy nhiên, em vẫn mong đợt 2 có thể đạt điểm cao ơi là cao bài thi đánh giá năng lực thì có cơ hội để xét tuyển thêm ngành khác".
Trong khi đó, có những học sinh tham dự lần đầu kỳ thi tỏ ra hơi áp lực. Chẳng hạn, học sinh Phi Long (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cho biết các môn học thế mạnh của bản thân về lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong khi bài thi đánh giá toàn diện kiến thức nhiều lĩnh vực nên cảm thấy hơi áp lực về khối kiến thức khoa học xã hội.
Không riêng năm nay, nhiều năm liền, đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM luôn được xem là kỳ thi để cải thiện điểm của nhiều thí sinh chưa đạt điểm tốt ở đợt 1 trước đó. Tỷ lệ thí sinh dự thi để cải thiện điểm đợt 2 năm ngoái cũng chiếm gần 29%.
Một số hình ảnh ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) sáng nay:
Sáng nay thí sinh làm một bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các đề thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Xét về cấu trúc, đề thi đánh giá năng lực tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở đề thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của đề thi TSA. Cụ thể, đề thi đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Nội dung đề thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức cả về mặt tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
Kết quả thi đánh giá năng lực được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory - IRT). Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.
Điểm số tối đa của bài thi là 1.200, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm; phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm; phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.
Năm nay kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã thu hút lượng đăng ký thi cao kỷ lục với 106.895 thí sinh. Trước đó, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố kết quả 93.828 bài thi đánh giá năng lực đợt 1, điểm trung bình của thí sinh là 643,4; có 80 thí sinh đạt trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ thi là 1.076 và thí sinh có điểm thi thấp nhất là 203.