Năm 2014 có thể xem là cuộc "cách mạng" trong đánh giá HS tiểu học với sự ra đời của Thông tư 30 thay điểm số bằng nhận xét. Với hàng bao nhiêu thế hệ HS VN khi đi học chỉ biết định lượng bằng điểm số thì rõ ràng đây là một "biến động" khi thay đổi về quan điểm, triết lý, phương pháp kiểm tra, đánh giá so với cách trước nay. Mặc dù thời điểm đó Bộ GD-ĐT và nhiều chuyên gia khẳng định đây là phương thức đánh giá tiên tiến theo hướng phát triển, lấy người học làm trung tâm mà nhiều nước đang thực hiện nhưng khi áp dụng vào thực tế lại gây phản ứng mạnh mẽ.
Sau 2 năm áp dụng, lúc bấy giờ Bộ GD-ĐT cũng phải thừa nhận tuy có nhiều ưu điểm nhưng cách làm còn lắm bất cập. Chẳng hạn phụ huynh chưa nắm bắt kịp thời mức độ học tập, rèn luyện của con em; Quy định việc khen thưởng chưa cụ thể nên giáo viên (GV) lúng túng: Quá tải công việc của GV… Chính vì thế đến năm 2016 Bộ GD-ĐT công bố Thông tư 22 nhằm sửa đổi những bất cập của Thông tư 30.
Để thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu áp dụng từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1, vào tháng 9.2020, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 27 quy định đánh giá HS tiểu học thay thế cho các Thông tư 22 và Thông tư 30. Cũng theo Bộ GD-ĐT, việc đánh giá HS được điều chỉnh theo hướng giảm cho điểm, tăng cường nhận xét, coi trọng đánh giá quá trình, phát triển năng lực, phẩm chất HS thông qua yêu cầu cần đạt của các môn học và hoạt động giáo dục. Cách đánh giá này không còn nặng, nhẹ về môn chính, môn phụ…
Như vậy, ở cấp tiểu học, việc thay đổi đánh giá theo chương trình mới đã áp dụng đến năm thứ tư, chuẩn bị bước vào năm học cuối cùng, khép lại một vòng đổi mới vào năm 2025. Nhưng cuối năm học này lại có phụ huynh phản ánh con họ dù 9, 10 điểm vẫn không xếp loại xuất sắc vì bị đánh giá hoàn thành ở các môn được xem là "phụ" như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục… Nhiều phụ huynh khác ngỡ ngàng chợt nhận ra lâu nay, trường đã thay đổi cách đánh giá nhưng họ chưa biết rồi đặt ra hàng loạt thắc mắc, hoài nghi rằng GV "không công tâm khi đánh giá", ca ngợi cách đánh giá hoàn toàn điểm số…
Điều này chứng tỏ trong các năm học vừa qua, phụ huynh không biết hoặc không hiểu về những thay đổi trong cách đánh giá HS tiểu học mà theo triết lý giáo dục hiện đại là tiến bộ và phù hợp.
Từ đó, có thể thấy những thay đổi về mặt chính sách, những điều chỉnh mang tính triết lý, quan điểm như thế này không thể chỉ triển khai bằng các công văn trong nội bộ ngành. Bộ GD-ĐT cần có chiến lược tuyên truyền rộng rãi bằng mọi phương tiện, thông qua mọi kênh để người dân hiểu rõ. Từng nhà trường, GV phải là những "tuyên truyền viên" để giải thích và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh ngay từ đầu năm học và trong bất cứ thời điểm nào cần thiết chứ không phải trả lời máy móc rằng "nhà trường áp dụng theo quy định" cho xong.
Đổi mới luôn khó khăn, nhất là khi phải vượt qua những thói quen cũ. Hành trình đó luôn cần sự đồng thuận. Để làm được điều này những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của mọi sự thay đổi - ở đây là HS, phụ huynh, GV- phải được biết, được hiểu tường tận; từ đó mới có thể chia sẻ và đồng hành.