Dự thảo sẽ lấy ý kiến đến hết ngày 15.2.2024
Liên quan đến quy định về vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi, Quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng năm 2023 bãi bỏ toàn bộ điểm n khoản 4 điều 14 về việc: "Cấm mang vào phòng thi: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi".
Tuy nhiên, theo dự thảo vừa công bố lại đưa trở lại nội dung quy định "cấm mang vào phòng thi", gồm các vật dụng cụ thể: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), quy định này nhằm khắc phục vấn đề vật dụng thí sinh được đem vào phòng thi liên quan đến thiết bị công nghệ cao và cấm đem vào phòng thi của năm 2023.
Dự thảo cũng bổ sung quy định: "Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp"…
Đề thi là "tối mật" đến khi nào?
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ quy định: "Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "tối mật". Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi".
Tuy nhiên, có bổ sung về thời hạn về bảo vệ độ tối mật. Cụ thể, theo dự thảo: "Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ "tối mật" đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài của bài thi tự luận".
Ngoài một số thay đổi mang tính kỹ thuật, đưa những hướng dẫn cụ thể hơn vào trong quy chế thì phương án thi năm 2024 vẫn giữ ổn định như năm 2023.
Dự thảo nêu rõ số môn thi. Theo đó, kỳ thi năm 2024 vẫn tiếp tục tổ chức 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân (đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT) hoặc các môn thi thành phần lịch sử, địa lý (đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).
Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp (đối với thí sinh tự do). Thí sinh được đăng ký dự thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025 phương án thi sẽ thay đổi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngày 28.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn thí sinh được lựa chọn.
Cụ thể, thí sinh sẽ thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.