Theo đó, trong sách giáo khoa toán lớp 1 hiện hành, các em học sinh lớp 1 được nắm kiến thức 1 chục bằng 10 đơn vị; 2 chục bằng 20 đơn vị; lần lượt như vậy, 9 chục bằng 90 đơn vị và 10 chục chính là 100 đơn vị. Như vậy, nếu trong các số đã cho: 1, 10, 100 và 90, thì số tròn chục lớn nhất là số 100.
Tuy nhiên, phía dưới bài viết Số tròn chục lớn nhất là số nào trong các số 1, 10, 100 và 90? trên, nhiều bạn đọc vẫn gửi tới các ý kiến tranh luận. Có bạn đọc nói: "Đã gọi số tròn chục thì chỉ có 2 chữ số. 3 chữ số là lên hàng trăm rồi. Đã là số tự nhiên thì không nên đánh tráo khái niệm"; "Thời 8x tôi học thì từ 10, 20,..., 90 là tròn chục, và 100 là số tròn trăm. Nên số 100 không thể gọi tròn chục được".
Có giáo viên thắc mắc: "Nếu vậy ta có thể gọi 100 là chục chục không nhỉ? Tôi là một giáo viên cũ cũng rất phân vân về cách chấm bài giải thích của giáo viên". "Vậy rồi có thể gọi 150 là số 15 chục hay số 1.000 có thể gọi là số 100 chục được không?"...
PV Báo Thanh Niên nêu các câu hỏi trên với tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), chuyên gia kiến tạo chương trình STEAM cho ngôi trường này. Tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng cho biết: "Số 100 có thể gọi là 10 chục, số 150 có thể gọi là 15 chục. Nói chung số tròn chục là nguyên dương tận cùng bằng chữ số 0. Kể cả 1.000 cũng là số tròn chục. Số 100 vừa là số tròn trăm vừa là số tròn chục".
Cũng theo tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, trong sách giáo khoa hiện hành có bài tập liệt kê các số tròn chục từ 100 đến 200.
Về cách đọc số, tiến sĩ Dũng nêu ví dụ với số 1.230 phải đọc là "một nghìn hai trăm ba mươi" chứ không thể đọc "một trăm hai ba mươi", nhưng nói "123 chục" lại được.