Giảng viên có thể dùng phần mềm để lên “kịch bản” mô phỏng nhiều tình huống khác nhau như: bệnh nhân bị thương tích gãy chân (có cơ và xương như thật) hay bệnh nhân bị khó thở, theo đài KETK ngày 25.7.
Tiến sĩ Jeffrey Pearl, chuyên về mô phỏng thực hành y khoa tại Trường Y khoa của ĐH Texas, cho biết Robotic Manikin giúp sinh viên áp dụng kiến thức và thực hành điều trị bệnh nhân, nhất là trong các ca cấp cứu.
"Trong phòng mô phỏng, sinh viên y khoa còn được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm. Mỗi sinh viên đảm nhiệm vai trò khác nhau, như thăm khám, điều trị vết thương, ghi chép bệnh án…", tiến sĩ Pearl cho hay.
Robotic Manikin có thể phát ra giọng nói, giao tiếp với bác sĩ, mô tả triệu chứng; hay “tắt thở” nếu sinh viên y khoa không thực hiện đúng các thao tác cấp cứu.
Theo tiến sĩ Pearl, mô hình robot này giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm các tình huống mà họ khó có thể nhìn thấy hết trong quá trình thực tập tại bệnh viện sau này.
“Hiện có một số quy trình mà sinh viên thực tập không được phép thực hiện trên bệnh nhân thật. Vì thế, mô hình mô phỏng giúp họ có trải nghiệm cận thực tế. Robotic Manikin được ứng dụng để thu hẹp khoảng cách giữa sách vở và công việc thực tế”, tiến sĩ Pearl cho biết.
Mô hình này còn được dùng để huấn luyện sơ cấp cứu cho lực lượng cảnh sát, lính cứu hỏa địa phương.