MỘT QUẬN CÓ GẦN 40 TRƯỜNG BỊ ẢNH HƯỞNG
Ngày 16.7.2024, Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân ra thông báo đề nghị hiệu trưởng tất cả các trường mầm non, tiểu học, THCS và chuyên biệt (công lập) phải tạm dừng các hoạt động cho thuê tài sản công làm căn tin, bãi xe, bếp ăn cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê theo quy định và phải báo cáo kết quả về Phòng GD-ĐT quận trước ngày 23.7.2024 để tổng hợp, báo cáo UBND quận.
Việc tạm dừng này là chấp hành theo Thông báo số 731/TB-UBND ngày 12.7.2024 của UBND quận, về nội dung kết luận của Thường trực UBND quận, liên quan đến kết quả kiểm tra mức tự chủ tài chính theo Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 18.3.2024 của UBND quận.
Trước đó, có kết luận của Thanh tra TP về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và quản lý nhà nước về trật tự đô thị tại UBND Q.Bình Tân (thời kỳ 2021 - 2022). Trong đó có nhắc tới gần 40 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn Q.Bình Tân sử dụng nhà, đất công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết nhưng chưa được UBND TP phê duyệt đề án là chưa đảm bảo quy định tại khoản 2, điều 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.1.2018).
Không chỉ Q.Bình Tân mà nhiều địa phương khác tại TP.HCM mấy năm qua đều vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 151/2017/NĐ-CP trong sử dụng nhà, đất công, vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết. Nhiều địa phương như Q.8, Q.Tân Phú, H.Bình Chánh cũng phải dừng việc cho thuê, liên doanh liên kết để làm căn tin, bếp ăn trường học, bãi xe. Các trường đành đặt suất ăn công nghiệp cho HS bán trú.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.1, TP.HCM, cũng cho biết bếp ăn trường học, căn tin trong trường phải tạm dừng hết, và sắp tới năm học mới 2024 - 2025 cũng không biết sẽ phải thực hiện ra sao để đúng pháp lý.
Nghị định số 151/2017/NĐ-CP năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó điều 44 quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Tài sản có giá trị lớn quy định tại điểm a khoản 2 điều 56, điểm a khoản 2 điều 57 của luật Quản lý, sử dụng tài sản công do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan T.Ư, UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với loại tài sản và chức năng, nhiệm vụ, năng lực của đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Khoản 2, điều 46 của nghị định này quy định: Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điều 44 nghị định này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định cụ thể việc cho thuê tài sản công.
Tuy nhiên, một cán bộ quản lý tại Q.Bình Tân cho biết Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê làm căn tin, bãi giữ xe, bếp ăn trường học rất phức tạp. Thực tế có trường tiểu học tại quận đã làm đề án cách đây 3 năm, gửi về Phòng Tài chính - Kế hoạch quận để trình lên TP duyệt. Nhưng 3 năm qua thì đề án này vẫn chưa được duyệt. Các trường học mới xây thì không dám mở căn tin, còn ở trường học cũ thì khả năng cao là phải "dẹp" căn tin. Do đó, để tổ chức được bán trú cho HS, các trường đành phải đặt suất ăn công nghiệp. Mặc dù thực tế các chuyên gia khuyên nên nấu ăn tại trường, suất ăn được nóng sốt hơn, kiểm soát an toàn thực phẩm dễ hơn.
Hay một cán bộ cấp phòng GD-ĐT cũng cho biết việc lập Đề án cho thuê tài sản công còn vướng ở chỗ định giá tài sản công. "Giá thuê căn cứ vào giá đất của các con đường xung quanh trường học. Vậy những trường mà xung quanh là đường lớn như Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1; Tiểu học Hòa Bình, Q.1, mà tính ra giá đất cho thuê của bếp ăn, căn tin trường học chắc vài tỉ đồng một tháng, vậy thì ai thuê?", vị này trao đổi.
MUỐN KHÔNG LẬP ĐỀ ÁN THÌ TRƯỜNG PHẢI TỰ… BÁN CĂN TIN
Trong thực tế, năm 2022, Bộ Tài chính có Công văn số 9757/BTC-QLCS ngày 26.9.2022 gửi UBND TP.HCM về việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập TP.HCM. Trong đó nêu:
"Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 không có quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh phân cấp hoặc ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập do UBND cấp huyện quản lý…".
"Trường hợp đơn vị sử dụng mặt bằng làm căn tin, bãi giữ xe để phục vụ hoạt động của đơn vị thì không thuộc trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định tại điều 56, 57, 58 của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và không phải lập đề án…".
Tuy nhiên, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP có hiệu lực cao nhất. Nhiều cán bộ quản lý các trường công lập ở TP.HCM cho biết muốn không phải lập đề án thì nhà trường phải tự đứng ra tự tổ chức, vận hành căn tin, bếp ăn, bãi giữ xe, không cho bên khác thuê, liên kết. Thế nhưng, trường học thì chức năng để dạy - học, lấy đâu người nấu nướng, trông xe, giữ xe, làm kế toán…, rồi thu chi được hạch toán ra sao?
THIỆT THÒI CHO HỌC SINH, PHỤ HUYNH
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết đã nắm các thông tin được phản ánh về một số địa phương như Q.Bình Tân, Q.8 và một số đơn vị có tài sản công như bếp ăn bán trú, căn tin, bãi giữ xe trường học đang vướng, sau khi thanh tra thì được đề nghị phải thực hiện đúng với Nghị định 151. "Tôi có báo cáo với UBND TP, để UBND TP khẩn trương làm việc với các đơn vị có liên quan, tìm cách làm sao đó tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhằm vừa đảm bảo pháp lý, vừa đảm bảo nhu cầu thực tế của các cơ quan đơn vị, đặc biệt là các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Giờ đã gần hết tháng 7 rồi, vào tháng 8 thì các trường chuẩn bị, đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp để đón HS năm học mới 2024 - 2025. Giờ đây các trường vướng mắc, khó khăn trong bố trí căn tin, bãi giữ xe, bếp ăn bán trú thì thật vất vả", ông Cao Thanh Bình nói.
Theo ông Cao Thanh Bình, nếu bây giờ các trường không có căn tin, bếp ăn bán trú, bãi xe thì thiệt thòi lớn nhất cho HS, gánh nặng đổ lên cho cha mẹ HS. Bởi nếu không tổ chức bán trú, cha mẹ đang làm việc lại phải vất vả đón con về buổi trưa, chiều lại đưa đi học. Rồi trẻ mầm non, tiểu học, nếu không cho các trường bố trí bếp ăn mà đặt suất ăn công nghiệp bên ngoài thì việc đảm bảo về an toàn thực phẩm là vấn đề phải rất quan tâm. Kế đó, trường học không có căn tin, HS đi học, chưa kịp ăn sáng các em mua ở đâu, buổi trưa khát nước mua ở đâu? Các em buộc phải ra cổng trường, lúc này hàng rong mọc ra, có an toàn thực phẩm không? Ông Bình cũng đặt ra vấn đề nếu trường không có bãi xe, không có nhân viên trông giữ xe, các em đi học để xe lộn xộn ở trường, mất thì ai chịu trách nhiệm?
Khẩn trương tháo gỡ khó khăn
Ông Cao Thanh Bình nhìn nhận Đề án theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP phải thẩm định, hồ sơ rất phức tạp, về lâu dài thì các đơn vị phải có đề án là hiển nhiên. Nhưng trước mắt, trong tình hình này, cần phải có biện pháp cấp bách trước để xử lý. Những nội dung nào có thể thực hiện thì cần thực hiện ngay. Còn vướng mắc, về pháp lý, hay về thẩm định giá hay các yếu tố khác, cần được tổng hợp báo cáo và có thể kiến nghị với Chính phủ, nghiên cứu xem xét lại…
Theo kế hoạch, trong tuần này, UBND TP.HCM sẽ có buổi làm việc với các sở Tài chính, GD-ĐT, TN-MT và các đơn vị liên quan báo cáo liên quan việc phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công trên địa bàn TP, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp.