Chương trình có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trên lĩnh vực công nghệ kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo, điện, điện tử công nghệ ô tô, kỹ thuật xây dựng…
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, cho biết Khoa Kỹ thuật và công nghệ (HUET) đang được Đại học Huế đầu tư nhiều chương trình đào tạo hiện đại nhất. Đây cũng là khoa đầu tiên thực hiện đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông Phương, năm 2024 HUET sẽ tiếp tục đào tạo các chương trình về ô tô điện và vi mạch. Vì vậy, sự hỗ trợ khoa học, công nghệ từ doanh nghiệp là rất cần thiết.
Báo cáo tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Quang Lịch, Trưởng khoa Kỹ thuật và công nghệ, cho biết đơn vị đang có mô hình đào tạo với 40% thời gian sinh viên được học tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, hợp tác doanh nghiệp luôn được HUET quan tâm xây dựng và phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Lương có thể cao gấp đôi mức trung bình
Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận về vấn đề thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo trong nhà trường và thực tế hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Sinh viên ngành công nghệ và kỹ thuật cần tập trung trang bị thật tốt kỹ năng ngoại ngữ, từ đó mức lương sau khi ra trường có thể cao gấp 2 - 3 so với mức trung bình.
Ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế, người từng tham gia cố vấn nhiều tập đoàn, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước như Mỹ, Singapore…, khẳng định thay vì quá tập trung vào đào tạo chuyên môn, các đơn vị cần chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên. Đó là nền tảng để các em mang theo sau khi ra trường, tạo cơ hội lớn ở những môi trường làm việc quốc tế.
Ông Chương cho rằng, khi có trình độ ngoại ngữ tốt, mức lương của kỹ sư cũng sẽ cao hơn rất nhiều so với mức trung bình. Đây cũng là một phần quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực tốt, nhân lực chất lượng cao.
Cùng chung quan điểm này, lãnh đạo một đơn vị có chi nhánh tại Thừa Thiên - Huế thuộc tập đoàn FPT chia sẻ rằng, với những sinh viên ngành công nghệ và kỹ thuật, việc thành thạo ngoại ngữ là yếu tố quan trọng để trúng tuyển vào các vị trí việc làm có mức thu nhập "khủng".
Các doanh nghiệp hoạt động về công nghệ, kỹ thuật đa phần kinh doanh ở nhiều quốc gia, vì vậy trong quá trình tuyển dụng họ sẽ ưu tiên những ứng viên thành thạo ngoại ngữ.
Dịp này, Quỹ học bổng "Tiếp sức tài năng HUET" chính thức ra mắt, đây kết quả hợp tác giữa HUET và các doanh nghiệp trong mạng lưới ký kết. Quỹ học bổng lập ra với mong muốn khích lệ và động viên sinh viên nỗ lực vượt khó, theo đuổi đam mê và đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học.
Hơn 20 sinh viên có thành tích nổi bật đã được trao học bổng với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.
Chương trình kết thúc với lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Khoa Kỹ thuật và công nghệ (Đại học Huế) với các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy mô hình trường học và doanh nghiệp trong thời gian tới.