Trưa nay, 26.3, Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11 đón 35 phụ huynh đại diện các khối từ lớp 1 tới lớp 5 tới trường, thăm bếp ăn mẫu bán trú kiểu Nhật. Đây cũng là một trong 2 bếp ăn mẫu bán trú kiểu Nhật được Công ty Ajinomoto Việt Nam tài trợ kinh phí xây dựng tại TP.HCM.
Sau giờ tham quan, được thầy cô giới thiệu về bếp ăn bán trú cũng như các khâu từ tiếp phẩm, sơ chế, chế biến, lưu mẫu… phụ huynh quan sát giờ ăn bán trú và dùng thử suất ăn của học sinh tại trường.
Cô Võ Thị Viễn Nguyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc, cho biết hoạt động mời phụ huynh tới thăm bếp ăn bán trú và ăn cơm cùng con diễn ra hàng năm, nhằm công khai chất lượng bữa ăn và việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà trường. Việc này cũng giúp tăng cường giao lưu, kết nối giữa cha mẹ học sinh và nhà trường, chia sẻ về công tác chăm sóc học sinh bán trú.
Sau khi ăn hết khay cơm trưa của mình, chị Hà Mỹ Ngọc, mẹ của học sinh Lý Khả Hân lớp 3/5, cho biết từ ngày con vào lớp 1, một trong những điều chị rất yên tâm là "trường có bếp ăn mẫu bán trú kiểu Nhật".
"Con đi học về đều khen cơm ngon, ăn hết khay cơm, hôm nay tôi được trải nghiệm thì công nhận là cơm và đồ ăn ngon thật. Tôi đi thăm nhà bếp trường học, xem bảo mẫu chia cơm cho học sinh, quan sát hết các bé ăn cơm. Nhà bếp rộng, sạch sẽ, gạo để nấu cơm cho các con là loại dẻo, ngon cơm", chị Ngọc nhận xét.
Còn phụ huynh Sử Lynh Chi, mẹ của học sinh Vũ Trung Lâm lớp 2/6, cho biết đây là lần đầu tiên được vào trường thăm nhà bếp trường học và bất ngờ vì độ sạch sẽ, quy chuẩn, ngăn nắp của một bếp ăn mẫu bán trú kiểu Nhật. "Với 34.000 đồng/ngày tiền ăn bán trú, mà các con vừa được một khay cơm ăn no, đủ dinh dưỡng, vừa có đồ tráng miệng, có sữa ở bữa xế là chu đáo. Phụ huynh chúng tôi không mong đợi gì nhiều hơn", chị Chi nói.
Bếp ăn mẫu bán trú tại Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11 được xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong an toàn vệ sinh thực phẩm và tối ưu hiệu suất hoạt động. Nhà bếp được khánh thành, đưa vào sử dụng từ năm 2014 tới nay vẫn còn mới do được chăm sóc, bảo trì, tuân thủ các quy định.
Bếp ăn được áp dụng nguyên tắc một chiều và phân chia theo từng khu vực riêng biệt như khu tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến, vệ sinh. Mỗi khu vực được quy định trang phục và dụng cụ làm việc khác nhau, đảm bảo ngăn ngừa nhiễm khuẩn chéo giữa các công đoạn. Trong nhà bếp có trang bị thiết bị, dụng cụ nhà bếp hiện đại, hệ thống vòi nước di động cấp nước nhanh, giúp giảm thiểu nhiều thao tác nặng, tiết kiệm thời gian và nhân lực thực hiện công tác bán trú.
Nhà bếp được lắp kính trong suốt, đảm bảo an toàn vệ sinh, tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát và giúp các trường tiểu học trong khu vực đến tham quan và học hỏi, góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng bếp ăn bán trú.
Cô Võ Thị Viễn Nguyên cho biết bộ thực đơn ăn bán trú của học sinh bao gồm 120 thực đơn chuẩn về buổi trưa và buổi xế đáp ứng nhu cầu về năng lượng, cân bằng về dinh dưỡng. Các món ăn phong phú, đa dạng và ngon miệng, phù hợp với nguồn thực phẩm, thói quen ăn uống tại địa phương. Từ năm 2017, nhà trường áp dụng "Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng" của Ajinomoto. Hàng tuần nhà trường đều công khai thực đơn đến phụ huynh học sinh qua trang web, sổ liên lạc điện tử.
Cô Viễn Nguyên cũng cho hay để vận hành tốt việc thực hiện bữa ăn bán trú cho các em học sinh có sự quản lý sâu sát của ban giám hiệu nhà trường, trực tiếp là cô phó hiệu trưởng phụ trách bán trú. Nhà trường có 1 bác sĩ, 8 cấp dưỡng, 18 bảo mẫu đều được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm...