Trước đó, báo chí cũng đã đưa tin nhiều vụ việc gây phẫn nộ khi trẻ em bị xâm hại bởi hàng xóm; bạn của ba, mẹ; cha dượng, mẹ kế hoặc người quen của gia đình.
COI TRỌNG "MẶT MŨI GIA ĐÌNH" HƠN NỖI ĐAU CỦA CON
Bà Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo TH (THedu), cũng là Trưởng ban tổ chức Dự án giáo dục giới tính S Project giai đoạn 2015-2020, cho biết với người thân, người quen của gia đình, trẻ em thường không có sự đề phòng, cảnh giác; các em chưa đủ sự tỉnh táo, hiểu biết để phân biệt người nào thật sự muốn giúp đỡ, người nào lợi dụng các em.
Đáng chú ý, bà Trà cho hay nhiều gia đình vẫn có sự nể nang, coi trọng "mặt mũi" gia đình, dòng họ. Vẫn chưa phổ biến việc cha mẹ nói chuyện thẳng thắn với con về vấn đề giới tính, về việc nếu trẻ cảm thấy lo lắng khi bị người nào đó ôm, chạm vào tay, vào má thì có quyền nói "không"…
"Chúng ta thấy khá phổ biến tình trạng cha mẹ, ông bà thấy hàng xóm láng giềng, người quen, họ hàng tới nhà chơi ôm ấp, nựng má, ôm hôn trẻ thì cho đó là bình thường. Còn nếu trẻ có thái độ phản ứng như phản đối, hét lên, không đồng ý với những hành vi đó thì nhiều người lớn lại cho rằng các bé hỗn láo, làm mất mặt gia đình; bênh vực người ngoài rằng họ làm như vậy vì yêu mến trẻ", bà Trà nói.
Chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), cho hay trong thực tế có nhiều vụ việc mà những người thân của nạn nhân, như chú, bác, dượng, thậm chí cha mẹ của trẻ, lại là người gây nguy hiểm. Theo bà Chi, những vụ xâm hại này thường được "che đậy" bởi những trò chơi, sự thân mật trong gia đình. Kẻ xâm hại cũng lợi dụng tâm lý nhiều gia đình vẫn quan niệm "tốt khoe, xấu che", im lặng dù biết trẻ bị xâm hại. Trong khi đó nhiều trẻ khi bị xâm hại còn có cảm giác tội lỗi, nghĩ rằng đây là lỗi của mình và càng sợ hãi, trẻ càng không chia sẻ với ai.
Gia đình cần tạo cho con không gian an toàn, để con được thoải mái chia sẻ suy nghĩ của mình với cha mẹ, để con được lắng nghe và bảo vệ. Đặc biệt, điều gốc rễ nhất là cha mẹ cần giáo dục giới tính cho con từ nhỏ, dạy con quy tắc tiếp xúc với người lạ, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giúp con hiểu rằng cơ thể của con là của con, không ai được phép xâm phạm, kể cả là cha, mẹ đẻ. Bên cạnh đó, cần dạy con biết cách tự vệ, biết đâu là khoảng cách không an toàn, nhận biết ánh mắt người khác nhìn mình như thế nào…
LÊN TIẾNG TRƯỚC CÁI ÁC, CÁI XẤU LÀ BẢO VỆ CHÍNH MÌNH
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục, cho biết khi xảy ra lạm dụng trong gia đình - nơi được coi là an toàn nhất cho trẻ - thì hậu quả có thể đặc biệt nghiêm trọng.
"Trẻ có thể cảm thấy bị phản bội, mất niềm tin và phải chịu đựng tổn thương tâm lý kéo dài. Đây là những chấn thương sâu sắc, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và cảm xúc. Do đó, các phụ huynh cần phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, ngay cả với người thân quen hoặc đáng tin cậy. Việc bảo vệ con em khỏi nguy cơ xâm hại đòi hỏi nhận thức cao và sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội", ông Giào nói.
Theo bà Trà, để phòng tránh cho trẻ trước nguy cơ xâm hại, cha mẹ phải để ý những cử chỉ, hành động người khác làm với con em mình và lưu ý cả thái độ của con. Khi con bày tỏ khó chịu với cử chỉ, sự quan tâm của ai đó, cha mẹ phải lắng nghe, tôn trọng cảm nhận của con, đặt mình vào vị trí của con, bởi người đó đáng tin với cha mẹ, nhưng chưa chắc đã đáng tin với con.
"Gia đình cần tạo cho con không gian an toàn, để con được thoải mái chia sẻ suy nghĩ của mình với cha mẹ, để con được lắng nghe và bảo vệ. Đặc biệt, điều gốc rễ nhất là cha mẹ cần giáo dục giới tính cho con từ nhỏ, dạy con quy tắc tiếp xúc với người lạ, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giúp con hiểu rằng cơ thể của con là của con, không ai được phép xâm phạm, kể cả là cha, mẹ đẻ. Bên cạnh đó, cần dạy con biết cách tự vệ, biết đâu là khoảng cách không an toàn, nhận biết ánh mắt người khác nhìn mình như thế nào…", bà Trà chia sẻ. Đồng thời, cần phân tích để trẻ nhận thức được trong trường hợp nào thì người thật sự tin cậy vẫn có thể chạm vào con.
Đặc biệt, bà Trà nhấn mạnh câu chuyện "hãy lên tiếng". Gia đình và trường học cần dạy cho trẻ hiểu rằng nếu có bất cứ vấn đề gì, con cần chia sẻ, nói với người con tin tưởng, có thể là bạn thân, là cô giáo. Điển hình như vụ án ở Bình Dương vừa qua, cơ quan điều tra đã không thể biết thông tin nếu nạn nhân chọn cách im lặng, không chia sẻ với bạn, và người bạn không báo với cô giáo, nhà trường. "Khi trẻ lên tiếng về những bất công, những mối nguy hiểm xung quanh mình là không chỉ bảo vệ chính mình mà còn bảo vệ những người xung quanh", bà Trà khẳng định.
Theo bà Trần Thị Quế Chi, bảo vệ trẻ em khỏi các vụ xâm hại, đặc biệt từ người thân quen, là trách nhiệm của nhiều bên. Trước tiên, trẻ cần được giáo dục giới tính từ sớm, từ độ tuổi mầm non với giáo trình phù hợp độ tuổi và cần tận dụng sức mạnh công nghệ trong việc này. "Đặc biệt, cần thay đổi nhận thức của người lớn về giáo dục giới tính. Người lớn cũng cần được giáo dục giới tính, để hiểu và thay đổi tư duy, hành động, biết thể hiện tình yêu thương với trẻ một cách phù hợp, để bảo vệ các em. Bên cạnh đó, pháp luật phải nghiêm minh hơn nữa, nếu có những vụ xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, phải nghiêm trị để răn đe", bà Quế Chi nói. (còn tiếp)
Dành hàng giờ chở con đi học thêm nhưng ngại nói chuyện với con vài phút
Bà Nguyễn Thị Song Trà cho biết qua làm việc, gặp gỡ nhiều học sinh, bà được nghe tâm sự như trên. Có những em gia đình rất thành đạt, ba mẹ bận rộn công việc, tìm những chỗ học tốt nhất cho con, tranh thủ đưa đón hết lớp học này tới lớp học khác, nhưng về nhà lại rất ít chuyện trò cùng con, hỏi thăm chuyện ở lớp, chuyện ở nhà, chuyện giới tính.
"Giáo dục giới tính, trước tiên là phải từ góc độ gia đình, phải tạo dựng được niềm tin, sự tin cậy, thoải mái để con có thể tâm sự với cha, mẹ giống như những người bạn thân. Lắng nghe trong sự chân thành, không vội phán xét, la mắng. Điều này rất khó, cần sự nỗ lực từ các phía", bà Trà nói.