”Nóng” nhu cầu mua sách giáo khoa, tránh sách giả

12:02 - 23/07/2024

Trước thềm năm học mới 2024-2025, nhu cầu mua sách giáo khoa của học sinh đã tăng vọt. Làm sao mua đúng, mua đủ sách, tránh được sách giả trà trộn trên thị trường là vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm.

Câu hỏi này càng "nóng" hơn, nhất là trong bối cảnh vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt xóa đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa (SGK) giả tại TP.Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Hậu Giang…

ĐI NHIỀU LẦN ĐỂ TÌM ĐỦ BỘ SÁCH CHO CON

Chiều 16.7, PV Thanh Niên có mặt tại nhà sách Công ty CP sách và thiết bị trường học TP.HCM (đường Nguyễn Tri Phương, Q.5), rất đông phụ huynh và học sinh (HS) đang tìm mua SGK, đặc biệt là những bộ SGK mới lớp 5, 9, 12 theo Chương trình GDPT 2018.

Chị Hiền, giáo viên dạy mỹ thuật ở một trường THCS tại TP.HCM, cùng chồng là anh Danh, giảng viên một trường ĐH, đang lựa SGK lớp 5 và lớp 9 cho hai con gái của mình. Chị Hiền cho biết bé lớp 9 thì các môn học sẽ sử dụng ở các bộ sách khác nhau, như toán, ngữ văn sẽ học ở bộ Chân trời sáng tạo, môn tin học thì lại học bộ Cánh diều… Chị đã đăng ký mua SGK cho các con ở trong trường nhưng vẫn đi tìm hiểu, mua trước một số cuốn để các con có thể đọc trước.

'Nóng' nhu cầu mua sách giáo khoa, tránh sách giả

Phụ huynh đi mua SGK cho con chuẩn bị năm học mới

THÚY HẰNG

"Tôi chưa mua đủ được hết các SGK lớp 5, còn một số cuốn bị hết hàng, chắc phải tìm ở nhà sách khác. Với SGK lớp 9 cũng vậy, tôi đi mấy nhà sách, nơi thì có SGK toán tập 1 mà lại không có tập 2, nơi thì có sách bài tập nhưng lại hết hàng SGK. Có nhà sách thì các cuốn khác có đủ nhưng đã bán hết sạch SGK ngữ văn cả tập 1 và tập 2, phải chờ hàng về thêm", chị Hiền nói.

"Năm nay con học và thi vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 nên chúng tôi cũng mong con được đọc trước SGK trong lúc nghỉ hè, ưu tiên mua trước các cuốn toán, ngữ văn, tiếng Anh để con ôn tập. Ngoài ra, tôi cũng khuyến khích con đọc thêm nhiều cuốn sách bên ngoài, có thêm kiến thức phong phú chuẩn bị cho bài thi vào lớp 10", chị Hiền chia sẻ.

Ở các kệ bán SGK lớp 5, 9, 12 tập trung nhiều phụ huynh và HS. Chúng tôi gặp anh Tuyên, bác sĩ nha khoa, phụ huynh có con học ở một trường THPT ngoài công lập tại Q.11. Anh đang dò từng tên sách trong danh mục SGK lớp 12 cần mua. Anh nhẩm đọc: "Sách lịch sử thì bộ Cánh diều, Giáo dục thể chất bộ Cánh diều; sách vật lý, hóa học, toán, ngữ văn thì bộ Chân trời sáng tạo; sách tin học lại bộ Cánh diều…".

Anh Tuyên cho hay: "Hôm nay tôi đi mua lần đầu nhưng chắc phải quay lại lần sau để mua thêm, vì vẫn còn thiếu. SGK toán, ngữ văn lớp 12 bộ Chân trời sáng tạo đã hết hàng nên tôi mua đỡ cuốn của bộ Cánh diều để con học trước". Phụ huynh này cũng cho biết thêm, thầy giáo của con gửi danh mục sách HS cần chuẩn bị, phụ huynh tự đi mua. Anh thích trực tiếp ra cửa hàng lựa sách sẽ yên tâm hơn.

CẢNH GIÁC VỚI NHIỀU CHIÊU TRÒ BÁN SÁCH GIẢ

Chị Nguyễn Tuyết Nhung, có con học lớp 5 một trường tiểu học tại Q.3, TP.HCM, cho biết đã đăng ký mua SGK trong trường để đảm bảo đủ sách, không lo sách giả. Đây cũng là cách làm của nhiều phụ huynh để tiết kiệm thời gian tìm sách ở nhiều bộ khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chọn lựa các kênh mua hàng trên mạng. Anh Ngọc Phúc, trú TP.Thủ Đức, TP.HCM, lên mạng tìm mua và vài ngày sau được giao tận nhà bộ SGK lớp 1, giá không cao hơn đi mua ngoài tiệm.

Chỉ cần gõ vào ô tìm kiếm "mua sách giáo khoa" trên internet, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, sẽ cho ra vô vàn kết quả, bên nào cũng nhiều kênh cam kết bán SGK đúng, chính hãng, giá ưu đãi. Nhưng nếu không cẩn thận, chính phụ huynh mắc vào bẫy mua phải sách giả, sách in lậu.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, một cán bộ quản lý làm việc trong một công ty về giáo dục cho biết thời gian qua, công ty này đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện nhiều nơi kinh doanh SGK giả số lượng lớn ở các địa phương. Người này cho hay những nơi kinh doanh sách giả thường có các chiêu trò quen thuộc để tiêu thụ. Thứ nhất, họ trà trộn xen lẫn sách giả và sách thật trong một thùng sách, chồng sách. Thứ hai, khi bán lẻ tại cửa hàng, họ bán SGK thật; còn khi có đơn hàng lớn đến các đại lý nhỏ, họ sẽ xuất hàng từ kho là sách giả. Tinh vi hơn, họ sẽ đóng bộ, đóng màng co xen lẫn SGK giả và sách thật để bán lẻ cho phụ huynh và giao cho các đơn vị mua sách số lượng lớn.

"Các đối tượng bán sách giả cũng thường mời chào qua các kênh Zalo, Facebook. Họ thường đưa mức chiết khấu rất cao, mạo nhận là nhân viên của các công ty phát hành sách để giao sách giả thẳng đến các nhà sách, đại lý sách tư nhân thông qua shipper, dịch vụ giao hàng… nhằm xóa dấu vết", cán bộ quản lý này cho biết.

'Nóng' nhu cầu mua sách giáo khoa, tránh sách giả

Trước thềm năm học mới 2024-2025, nhu cầu mua SGK của học sinh đã tăng vọt

THÚY HẰNG

 

TIỀN MẤT, TẬT MANG KHI DÙNG SÁCH GIẢ

Ông Nguyễn Phong Yên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam, đơn vị phát hành SGK chính thức của NXB Giáo dục VN, cho biết rất nhiều hệ lụy cho các HS khi mua phải và sử dụng SGK giả. Ông Yên cho hay một số nội dung trong SGK in lậu được đánh máy lại nhưng không qua các khâu kiểm duyệt như sách thật, có thể làm sai lệch kiến thức trong quá trình học tập của HS. "Các thông tin thể hiện trên bản đồ trong sách giả cũng sẽ không đúng kích thước tiêu chuẩn bởi không có hình ảnh bản quyền, hoặc sai lệch về thông tin… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức của HS. Ngoài ra, sách giả gây tác hại xấu đến thị lực của người dùng. Các hình ảnh, nội dung trong sách bị nhòe, mờ, không rõ nét dẫn đến việc thị lực bị suy giảm nếu sử dụng sách kém chất lượng trong thời gian dài", ông Yên nhấn mạnh.

Phân biệt sách thật, sách giả

'Nóng' nhu cầu mua sách giáo khoa, tránh sách giả

Mã tem trên sách giả đã được nhập xác thực tới hơn hai trăm lần

NXB GIÁO DỤC VN

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Phong Yên cho biết điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất ở sách thật/sách giả mà khách hàng có thể phát hiện bằng mắt thường là màu sắc, chất liệu sách.

Sách thật thường sẽ cầm chắc tay, mực đẹp, in rõ, cả nội dung và hình ảnh trong sách đều sắc nét, hài hòa. Trong khi đó, sách giả thường có chất lượng in kém hơn vì sử dụng chất liệu và phương pháp in có giá thành thấp hơn. Từ đó, sản phẩm in ra sẽ nhẹ hơn, màu tối, dễ lem mực. Các hình ảnh trong sách giả thường nhòe, mờ, một số chỗ bị mất nét, không nhìn rõ chữ. Tổng quan không sắc sảo như sách thật.

Điểm khác biệt thứ hai là mã thẻ cào. Mỗi cuốn sách do NXB Giáo dục VN phát hành đều được dán một mã thẻ cào riêng. Phụ huynh và HS có thể nhập mã kích hoạt tại adc-nxbgd.vn để xác thực trước khi sử dụng. Tem trên sách thật được xác thực thành công, còn mã tem trên sách giả đã được nhập xác thực tới hơn hai trăm lần (hình ảnh đính kèm).

"Khi sử dụng SGK giả, giáo viên và HS sẽ không sử dụng được sách điện tử và kho học liệu đi kèm do NXB Giáo dục VN biên soạn. Các cuốn SGK tiếng Anh luôn khuyến khích HS sử dụng sách điện tử song song cả trên trường và ở nhà. Với phiên bản sách điện tử, các bài tập trong sách tiếng Anh được số hóa, tích hợp file nghe, đáp án đi kèm, dễ dàng cho HS ôn tập và rèn luyện kiến thức khi học tại nhà. Đối với sách giả, HS sẽ không kích hoạt và sử dụng được sách phiên bản điện tử", ông Nguyễn Phong Yên nói.

Tại TP.HCM, các cửa hàng của NXB này ở các địa chỉ: 223 Nguyễn Tri Phương, P.9, Q.5; 123 Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh; 93 Man Thiện, P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức; 231 Nguyễn Văn Cừ, P.4, Q.5.

NXB Giáo dục VN công bố đường dây nóng 0344181018, hoạt động từ 8 - 22 giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, hỗ trợ HS, phụ huynh về thông tin, địa chỉ mua SGK.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...