Ông Nguyễn Đắc Hoàn, Giám đốc Công ty CP Devis, cho hay do thiếu nhân lực trầm trọng nên nước Đức đã phê duyệt luật Lao động nhập cư.
Theo luật này, công dân của nước thứ 3 (không phải EU) có thể vào Đức học tập, làm việc và định cư.
Cụ thể, Đức - Việt Nam hợp tác trong các lĩnh vực trọng tâm gồm du học nghề, năng lượng và môi trường. Trong lĩnh vực du học nghề, Đức hỗ trợ Việt Nam đào tạo 22 nghề theo tiêu chuẩn và mô hình đào tạo của Đức, triển khai tại 45 trường được Đức và Tổng cục Dạy nghề thẩm định, phê duyệt.
"Tại TP.Đà Nẵng có Trường CĐ Du lịch Đà Nẵng đủ tiêu chuẩn tham gia với nghề kỹ thuật chế biến món ăn. Đối với Trường CĐ Nghề Đà Nẵng, dù không phải là đơn vị thụ hưởng dự án nêu trên nhưng với thế mạnh sẵn có, nhà trường đã quyết định đào tạo sinh viên theo mô hình, tiêu chuẩn của Đức. Từ đó đào tạo cho các sinh viên có trình độ, tay nghề cao, tương đương với Đức cho 2 nhóm nghề cắt gọt kim loại và cơ khí", ông Hoàn thông tin.
Theo thỏa thuận, sinh viên sau khi tốt nghiệp các nhóm nghề đã nêu trên có nguyện vọng muốn được sang Đức làm việc cần qua thẩm định, công nhận năng lực/bằng tốt nghiệp.
Sau khi được công nhận, các ứng viên sẽ nhận được chứng chỉ do Viện Tiểu thủ công nghiệp Đức HWK và Tập đoàn Avestos cấp. Với chứng chỉ này, kèm theo chứng chỉ tiếng Đức tối thiểu A2, các ứng viên có thể sang Đức làm việc, được hưởng lương theo luật Lao động Đức với mức từ 2.100 euro/tháng trở lên (60 triệu VNĐ), có thể được định cư lâu dài.
"Công ty CP Devis sẽ chịu trách nhiệm tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo tiếng Đức, tổ chức thi tiếng Đức, lo toàn bộ các thủ tục liên quan tới visa, đáp ứng các điều kiện xuất cảnh cho các sinh viên đủ điều kiện cũng như đồng hành cùng các đối tác Đức hỗ trợ các ứng viên trong thời gian làm việc và sinh sống tại Đức", ông Hoàn nhấn mạnh.