Mỗi khi con quấy khóc hay không muốn ăn cơm, anh chị tôi lại cưng nựng cho mượn điện thoại. Muốn “huấn luyện” con làm việc, chị dâu hứa sẽ cho mượn điện thoại thì con trai mới thực hiện theo lời chỉ bảo của mẹ.
Không chỉ riêng anh trai chị dâu tôi, thời nay các bậc phụ huynh thường dùng điện thoại để cưng nựng, dỗ dành, sai bảo… con trẻ. Một số phụ huynh nghĩ rằng, khi con “ôm” chiếc điện thoại thì người lớn sẽ được rảnh rang. Như vậy, trẻ nghiện điện thoại một phần là do phụ huynh.
Các chuyên gia nhiều lần cảnh báo lạm dụng thiết bị điện tử khiến trẻ gặp phải những vấn đề nguy hiểm về sức khỏe như: thị lực kém, mắc các bệnh về mắt, chậm phát triển, kém thông minh, giảm trí nhớ, khó tập trung, học lực sa sút, hạn chế khả năng giao tiếp…
Những triệu chứng dễ nhận thấy nhất ở những trẻ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, xem tivi nhiều sẽ có biểu hiện nháy mắt và giật cơ hàm, nhíu mũi… Ngoài ra, trẻ cũng vô thức phát ra các âm thanh như âm trong họng, hít mũi, gằn giọng, lẩm bẩm, la hét, tặc lưỡi...
Đây là dấu hiệu điển hình của hội chứng TIC (là tên gọi của một dạng bệnh rối loạn vận động khi người bệnh lặp đi lặp lại một hành động nhiều lần không kiểm soát được).
Giúp con tránh xa điện thoại như thế nào?
Để khắc phục tình trạng này, cách đơn giản nhất là cha mẹ phải khéo léo giúp trẻ rời xa chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng.
Nếu trẻ đã ở mức độ “nghiện”, mỗi ngày chơi nhiều giờ, khóc la, tỏ ra hung bạo khi bị lấy mất thiết bị, phụ huynh cần phải mất nhiều thời gian để giúp bé thay đổi thói quen không tốt này. Đầu tiên, cha mẹ nên giảm từ từ khoảng thời gian để trẻ quen dần với điện thoại và các thiết bị điện tử khác.
Nếu trước đây, mỗi ngày bé xem điện thoại suốt 2 giờ, phụ huynh nên giảm dần thời gian xuống còn 1 giờ. Tuần sau, phụ huynh lại tiếp tục giảm nhiều hơn. Phụ huynh không nhất thiết phải buộc bé tránh xa điện thoại ngay lập tức, mà nên hạn chế càng nhiều càng tốt, như vậy tâm lý của bé sẽ thoải mái hơn.
Còn với những bé chưa nghiện điện thoại, phụ huynh chỉ cần vài ngày giảm bớt thời gian sử dụng là bé có thể từ bỏ được ngay. Cách tốt nhất chính là phụ huynh biết khéo léo cắt giảm thời lượng sử dụng điện thoại của trẻ.
Ngoài ra, thời gian bé không có chiếc điện thoại bên cạnh, phụ huynh nên bù đắp vào bằng những hoạt động tương tác với bé nhiều hơn như cùng chơi lắp ráp với bé, các đồ chơi phát triển trí tuệ, thể thao, trò chơi vận động ngoài trời, đàn hát, vẽ tranh, đọc sách báo…
Duy trì thói quen này sau một khoảng thời gian thì chắc chắn chứng nghiện điện thoại của bé sẽ được cải thiện, hội chứng TIC cũng sẽ giảm từ từ và hết hoàn toàn.