Mức đóng học phí của từng bậc học
Theo đó, mức học phí chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở TP.Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân; Nhóm 2 là học sinh học tại các trường ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Mức học phí đối với cấp tiểu học quy định tại bảng trên làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đảm bảo trường tiểu học công lập và các học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ ngày 1.9.2024.
17 khoản thu thực hiện trong trường học
Ngoài học phí, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết 13 quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập. Trước đó, HĐND đã công bố 9 khoản thu dịch vụ trường công lập được phép thu như: Dịch vụ sử dụng máy lạnh, nhân viên nuôi dưỡng, phục vụ ăn sáng... Còn các khoản thu khác phục vụ hoạt động giáo dục trong nhà trường HĐND TP đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp cùng Sở Tài chính hướng dẫn.
Thực hiện chỉ đạo của HĐND và trên cơ sở góp ý của Sở Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường thực hiện danh mục 17 khoản thu theo các nội dung sau:
Các khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác
- Tiền tổ chức 2 buổi/ngày.
- Tiền tổ chức dạy tăng cường môn Ngoại ngữ.
- Tiền tổ chức dạy tin học (tiền tổ chức dạy tăng cường môn tin học đồng/học sinh/tháng; tiền tổ chức hoạt động giáo dục công dân số).
- Tiền tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và chương trình nhà trường (tiền tổ chức dạy các lớp năng khiếu, thể dục tự chọn, câu lạc bộ, học bơi; tiền tổ chức dạy kỹ năng sống; tiền tổ chức giáo dục STEM; tiền tổ chức học ngoại ngữ với người nước ngoài; tiền tổ chức học ngoại ngữ sử dụng phần mềm bổ trợ; tiền tổ chức chương trình học ngoại ngữ thông qua môn toán và khoa học; tiền tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra các chứng chỉ quốc tế; tiền tổ chức các hoạt động giáo dục khảo sát làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo).
- Tiền tổ chức dạy học nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên.
- Tiền tổ chức dạy bổ sung kiến thức tại các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Các khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án
7. Tiền tổ chức các lớp học theo Đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam".
8. Tiền tổ chức các lớp học theo Đề án "Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021 - 2030".
9. Tiền tổ chức thực hiện Đề án Trường thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế".
10. Tiền thực hiện chương trình kích cầu đầu tư.
Các khoản thu cho cá nhân học sinh
11.Tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú.
12. Tiền mua sắm đồng phục học sinh.
13. Tiền học phẩm - học cụ - học liệu.
14. Tiền suất ăn trưa bán trú.
15. Tiền suất ăn sáng đồng/học sinh/ngày.
16. Tiền nước uống đồng/học sinh/tháng.
17. Tiền trông giữ xe học sinh đồng/xe/lượt.
Không được phát sinh khoản thu ngoài quy định của TP
Sở GD-ĐT hướng dẫn các trường phải xây dựng dự toán thu-chi tất cả các khoản thu nói trên. Ở mục các khoản thu cho cá nhân học sinh, các trường tự thỏa thuận với phụ huynh học sinh mức giá phù hợp với thực tế và địa bàn nơi trú đóng đồng thời phải đảm bảo đủ dinh dưỡng theo từng bậc học và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu có điều chỉnh tăng so với năm trước liền kề thì phải giải trình, công khai minh bạch và có sự đồng thuận với phụ huynh. Các trường mời phụ huynh học sinh cùng phối hợp giám sát theo dõi cập nhật theo định kỳ để có cơ sở điều chỉnh cho phù hợp.
Mức thu đảm bảo tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo. Tỷ lệ tăng mức thu năm học 2024-2025 (nếu có) không quá 15% so với mức thu đã thực hiện năm học 2023-2024.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, lưu ý các trường sử dụng các khoản thu phải đúng mục đích thu, công khai kế hoạch thu-chi của từng khoản thu đến phụ huynh học sinh trước khi tổ chức thực hiện và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Danh mục các khoản thu phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, tổ chức công tác kế toán theo đúng quy định, mở sổ sách kế toán, sử dụng, quản lý chứng từ, tổ chức hạch toán, theo dõi riêng đảm bảo ghi nhận đầy đủ, chính xác doanh thu và phân bổ đầy đủ, chính xác chi phí đối với từng hoạt động; phải đăng ký, kê khai, nộp đủ thuế và các khoản thu ngân sách khác (nếu có) theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo tài chính đúng, kịp thời với các cơ quan quản lý theo phân cấp.
Sở đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo phòng GD-ĐT phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch căn cứ trên kế hoạch hoạt động, dự toán thu chi và đề xuất mức thu của từng đơn vị giáo dục (bao gồm cơ sở giáo dục thường xuyên) để xem xét các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục và các khoản thu khác theo đúng quy định để trình UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thống nhất khung mức thu phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương (không cào bằng các mức thu) trước khi tổ chức thực hiện. Kiểm soát không được phát sinh bất kỳ khoản thu nằm ngoài quy định.
Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm hướng dẫn các trường tổ chức lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh học sinh để tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thu chi đầu năm học kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định. Có trách nhiệm giải trình với xã hội về hoạt động của các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý, trong đó có nội dung quản lý các khoản thu với các trường các bậc học.
Ông Nam nói thêm Sở GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục thuộc các quận huyện và các đơn vị trực thuộc, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định.