Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ghi nhận có 132.865 lượt thí sinh dự thi trong cả 2 đợt, cao nhất từ trước đến nay. Con số này chưa bao gồm 3.139 thí sinh vắng mặt vì nhiều lý do, trong số đó có nguyên nhân quên mang theo các giấy tờ tùy thân như CCCD. Chưa kể, theo dữ liệu đăng ký dự thi, có 29.023 thí sinh đã tham gia đợt 1 và dự thi tiếp đợt 2 để cải thiện điểm số.
Số liệu trên cũng giúp đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành kỳ thi thu hút đông thí sinh nhất cả nước, chỉ đứng sau kỳ thi bắt buộc là tốt nghiệp THPT và vượt qua kỳ thi cùng tên do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức và những kỳ thi khác do các trường ĐH tổ chức như đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đánh giá năng lực của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, TestAs của Trường ĐH Việt-Đức...
Không chỉ phổ biến về lượt thi, đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM còn phổ biến về số trường chấp nhận dùng điểm thi để xét tuyển. Như ở kỳ tuyển sinh 2024, đơn vị này ghi nhận hơn 100 trường ĐH, CĐ dùng kết quả thi đánh giá năng lực. Trong đó, 66 đơn vị tham gia hệ thống xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM với gần 1.600 ngành học.
Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM - cơ sở giáo dục ĐH có các đơn vị thành viên - sẽ dành tối thiểu 45% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức thi đánh giá năng lực.
Là kỳ thi nhận được sự quan tâm rất lớn của thí sinh và phụ huynh, đánh giá năng lực cũng để lại nhiều ấn tượng khiến thí sinh lẫn phụ huynh không thể quên. Tại các điểm thi ở TP.HCM, Thanh Niên ghi nhận nhiều khoảnh khắc ý nghĩa, phần nào phản ánh được không khí của một trong những kỳ thi tuyển sinh ĐH lớn nhất hiện tại trong mùa tuyển sinh ĐH 2024.
Ấn tượng nhất có lẽ là hàng ngàn phụ huynh dậy từ sớm để kịp đưa con ăn uống trước khi bắt đầu làm thủ tục dự thi lúc 7 giờ 30, sau đó ráng nán lại, "đội" nắng chờ đón con hoàn thành bài thi. Họ tự gọi mình là "thế hệ XO", viết tắt chữ "xe ôm", khi phải đảm nhận việc đưa đón con đi học hằng ngày, và sau đó là đi thi.
Nhớ những ngày đầu tháng 4, khi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 diễn ra, nhiệt độ tại TP.HCM lên mức kỷ lục, dao động từ 35 - gần 38 độ C theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ. Song, đây chỉ là mức nhiệt được cơ quan khí tượng đo trong các lều khí tượng. Cảm nhận thực tế nhiệt độ ngoài trời có thể cao hơn từ 3 - 5 độ C, do các phản xạ nhiệt từ mặt đường, từ hơi nóng máy lạnh, phương tiện giao thông...
Tinh thần "dãi nắng, dầm mưa" này vẫn tiếp diễn ở kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 được tổ chức vào sáng nay, 2.6. Phải đứng dưới cái nắng giữa trưa "như chảo lửa", nhưng khi nhìn thấy bóng dáng con, các bậc cha mẹ lại nhanh chóng quệt mồ hôi, đưa tay lên vẫy báo hiệu "cha/mẹ đang đứng ở đây", rồi khoác vai sĩ tử nhà mình cùng nhau trở về nhà. Chỉ một khoảnh khắc nhỏ thôi, nhưng nhiều khi, đứa con có thể nhớ cả đời.
Bởi, khi đã trưởng thành, "kỳ thi" không còn đơn thuần là một điểm đến, mà là cả hành trình dài. Một hành trình mà đôi khi cha mẹ không đủ thời gian để có thể đứng chờ con.
Ân tình trong mùa thi
Trước đó, trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, hình ảnh nghị lực của nữ sinh Trương Nguyễn Như Nguyên, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khiến không ít người cảm phục. Theo lời kể, Nguyên không may bị tai nạn giao thông trước ngày thi 3 tuần, dẫn đến gãy chân và đứt dây chằng. Vì thế, nữ sinh phải di chuyển bằng xe lăn với chân trái đeo nẹp.
Song, điều đó không dập tắt được tinh thần chinh phục kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của nữ sinh, điều mà Nguyên cho là "rất quan trọng". Khi đến điểm thi, Nguyên được các bạn cùng lớp hỗ trợ nhiệt tình, đồng thời còn được những tình nguyện viên hỗ trợ di chuyển vào phòng thi. Nguyên chia sẻ, em dự định dùng điểm thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào Trường ĐH Tài chính-Marketing, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM.
Những câu chuyện tốt không chỉ có một. Mới đây nhất, trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2, sau khi xác nhận thí sinh đến nhầm điểm thi, các cán bộ phòng thi đã lập tức trấn an em, đặt xe công nghệ cho em đến đúng điểm thi rồi ra ngoài cổng trường đứng đợi cùng em dù việc thi cử có bộn bề. Để rồi, khi tài xế tới, nữ sinh ấy khom lưng nói lời cảm ơn với từng thầy cô giúp em trước khi lên xe theo đuổi hành trình của mình.
Sau khi kỳ thi đánh giá năng lực kết thúc, chỉ hơn 20 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức diễn ra. Trong đó, ngày 26.6, thí sinh làm thủ tục dự thi. Ngày 27 và 28.6, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ngày 29.6 sẽ là ngày thi dự phòng. Theo Bộ GD-ĐT, năm nay cả nước có 1.071.395 thí sinh đăng ký dự thi, tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm trước.