Đề xuất mô hình ĐH cộng đồng cho Việt Nam
Tham dự tọa đàm, tiến sĩ Trần Đức Cảnh, chuyên gia giáo dục Mỹ - Chủ tịch Hội đồng Viện phát triển giáo dục ĐH Sài Gòn, đã chia sẻ về mô hình ĐH cộng đồng tại Mỹ.
Theo đó, chương trình đào tạo của ĐH cộng đồng gồm 2 năm, tương tự như bậc CĐ nhưng đào tạo theo hệ tín chỉ và liên thông trực tiếp lên ĐH hệ 4 năm. Hai chương trình chính của ĐH cộng đồng gồm 2+2 và 2 năm. Chương trình 2+2 tương đương với 2 năm đầu của chương trình ĐH, sau đó liên thông trực tiếp lên ĐH 4 hệ năm. Đối tượng của chương trình này thường là sinh viên không xuất sắc ở bậc THPT và/hay chưa chắc chắn sẽ chọn ĐH 4 năm, điều kiện học ít căng thẳng và không gian tương đối mở, uyển chuyển; học phí và chi phí thấp; đáp ứng nhu cầu đào tạo công việc tại địa phương.
Còn chương trình cấp bằng ĐH hệ 2 năm, như bậc CĐ ở Việt Nam trước kia, sinh viên tốt nghiệp có thể đi làm ngay với các ngành nghề như: kỹ thuật viên, kế toán, bán hàng... Nếu muốn chuyển lên ĐH hệ 4 năm thì các trường sẽ xem xét tín chỉ tương đương. Thường các trường hệ 4 năm chỉ công nhận 1 hay 2 học kỳ của hệ đào tạo 2 năm vì một nửa chương trình xem như không tương đương với ĐH.
Trên cơ sở đó, tiến sĩ Cảnh nêu ra những đề xuất áp dụng mô hình ĐH cộng đồng trong bối cảnh giáo dục và đào tạo tại Việt Nam hiện nay. Một trong số đó là cần tổ chức kiểm định chương trình CĐ, để chất lượng đào tạo và các tiêu chí được công nhận tương đương với các môn của 2 năm đầu ĐH hệ 4 năm. Bên cạnh đó là cho phép các trường ĐH địa phương đào tạo bậc CĐ (ĐH quốc gia hay các ĐH trọng điểm không đào tạo bậc học này). Cuối cùng, cần có sự tham gia của doanh nghiệp vào loại trường này trong việc thiết kế, tổ chức chương trình đào tạo.
"Chương trình 2 năm của ĐH cộng đồng có thể là bước đầu cho một số sinh viên tốt nghiệp có thể tiếp tục liên thông lên ĐH, học bán thời gian, học trực tuyến và vừa làm vừa học", tiến sĩ Trần Đức Cảnh đề xuất.
Thành một để… không bị cản trở, gián đoạn
Đáng chú ý, ông Cảnh đề xuất tổ chức lại hệ thống giáo dục ĐH (thuộc Bộ GD-ĐT) và bậc CĐ (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thành một. Bậc CĐ có thể liên thông trực tiếp lên ĐH theo hệ tín chỉ mà không bị cản trở, gián đoạn, làm mất thời gian và kém hiệu quả. Điều kiện nhận sinh viên vào các trường CĐ vẫn là tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Kiến nghị chuyển trường CĐ về lại Bộ GD-ĐT đã từng được nêu ra nhiều lần trước đây.
Mới đây nhất, tháng 5 năm nay, kiến nghị trường CĐ được tự chọn bộ chủ quản là một trong những nội dung trong văn bản của Hiệp hội Các trường ĐH – CĐ Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo hiệp hội, bậc ĐH bao gồm 4 trình độ: CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ được thể hiện nhất quán tại Nghị định số 90 luật Giáo dục, luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, năm 2014 dự thảo luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua và tại các điều 76, 77 luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã bãi bỏ tất cả những quy định liên quan đến trình độ CĐ thuộc bậc ĐH ở các luật trước đó. Theo hiệp hội, điều này đang để lại nhiều hệ lụy.
Từ năm 2021, Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam từng gửi kiến nghị chuyển các trường CĐ về lại Bộ GD-ĐT như trước đây, sửa luật Giáo dục nghề nghiệp thành luật Giáo dục nghề. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã bác đề xuất này vì cho rằng kiến nghị đưa đào tạo CĐ về Bộ GD-ĐT còn thiếu cả cơ sở khoa học và thực tiễn.