Vụ trưởng Thái Văn Tài cho biết năm 2020, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Quan điểm đổi mới của thông tư này là kết quả của một quá trình nghiên cứu và điều chỉnh cách đánh giá đối với HS ở bậc tiểu học nhằm giảm áp lực không cần thiết, mang tính khích lệ, nhân văn. Điểm khác biệt so với cách đánh giá trước đây là việc đánh giá được điều chỉnh theo hướng giảm cho điểm, tăng cường nhận xét, coi trọng đánh giá quá trình để theo dõi sát sao, hỗ trợ, khích lệ HS tiến bộ so với bản thân các em.
Quy định đánh giá HS tiểu học tại thông tư trên cũng phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đang triển khai là phát triển năng lực, phẩm chất HS thông qua yêu cầu cần đạt của các môn học và hoạt động giáo dục được thiết kế cho từng lớp học trong bậc học.
"Tôi đã đọc rất kỹ các bài báo, bình luận của bạn đọc và phụ huynh và thấy mừng vì có nhiều người đã hiểu và ủng hộ tinh thần của quy định đánh giá HS hiện hành. Quan điểm của Bộ GD-ĐT thể hiện trong thông tư trên là không đánh giá HS ở bậc tiểu học chỉ dựa vào điểm số trong bài kiểm tra đánh giá định kỳ. Nhiều người thích nhìn thấy điểm số và cho rằng thế mới phân biệt rõ ràng. Nhưng việc đánh giá một đứa trẻ sẽ không chính xác nếu chỉ dựa vào bài kiểm tra ở một thời điểm nhất định", ông Tài chia sẻ.
Ông Tài cũng cho rằng theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc đánh giá quá trình rất quan trọng. Giáo viên (GV) có nhiều cách để đánh giá HS và sẽ là người hiểu nhất về năng lực, sự tiến bộ của HS. Việc đánh giá quá trình cũng được GV ghi lại trong hồ sơ của HS. Việc này không chỉ nhằm tổng kết, xác định danh hiệu của HS cuối năm mà còn là cơ sở để bàn giao giữa GV các lớp trong việc tiếp tục hỗ trợ, theo sát HS ở các lớp học trên.
Một HS vì lý do nào đó có thể làm bài kiểm tra định kỳ cuối năm không tốt, nhưng GV thấy kết quả quá trình của HS có sự chênh lệch so với kết quả bài kiểm tra định kỳ hoàn toàn có quyền đề đạt với người phụ trách ở trường để cho HS kiểm tra lại. Việc xếp mức độ hoàn thành của HS cuối năm cũng dựa trên cả kết quả kiểm tra định kỳ và quá trình. Đây là cách đánh giá chính xác hơn, cũng giảm áp lực đối với trẻ so với cách đánh giá nặng về điểm số.
TƯ DUY "MÔN CHÍNH, MÔN PHỤ" CẦN THAY ĐỔI
Hiện phụ huynh bức xúc khi con họ được 9, 10 điểm các môn toán, tiếng Việt nhưng chỉ vì các môn nghệ thuật, thể dục, đạo đức… chỉ được đánh giá là hoàn thành chứ không phải là hoàn thành tốt nên không được xuất sắc. Về vấn đề này, ông Thái Văn Tài nêu quan điểm: "Yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 là đánh giá năng lực, phẩm chất HS dựa trên các môn học, hoạt động đã được thiết kế. Năng lực có thể sẽ thể hiện chủ yếu ở một môn học nhưng vẫn liên quan tới các môn học khác. Vì thế tư duy môn chính, môn phụ cần phải thay đổi". Ông Tài giải thích, việc đổi mới đánh giá với HS bậc tiểu học được xây dựng theo hướng giảm bớt cho điểm, tăng cường nhận xét quá trình. Vì thế, sẽ có những môn học có bài kiểm tra cho điểm định kỳ và có môn chỉ nhận xét. Cụ thể, ở lớp 1 chỉ có tiếng Việt, toán có bài kiểm tra định kỳ cho điểm số, lên các lớp cao hơn, có thêm một số môn học khác. Các môn được cho điểm là những môn học công cụ để HS sử dụng vào các lớp học sau này, những môn có hàm lượng khoa học cao. Còn các môn học chỉ đánh giá bằng nhận xét là các môn học mang tính đặc thù, với mục đích giúp HS trải nghiệm kiến thức. Nhưng không phải vì không cho điểm thì là môn phụ".
Ông Tài cũng cho biết ở các lớp cuối cấp tiểu học, số môn học cho điểm được tăng lên vì có các môn học mới ở lớp 4, lớp 5 cần có sự khảo sát bằng định lượng. Ngoài ra, việc thay đổi cũng nhằm giúp HS có thể tiếp cận dần với cách đánh giá ở bậc học tiếp theo mà không bị hẫng hụt.
Cũng theo ông Thái Văn Tài: "Ở Chương trình GDPT 2018, các môn đặc thù không phải để rèn HS làm theo như trước đây hay luyện cho HS có năng khiếu mà giúp HS có hiểu biết, cảm thụ nghệ thuật để bồi đắp cảm xúc lành mạnh cho các em. Ví dụ ở môn âm nhạc ở bậc tiểu học, một HS có giọng hát hay chưa chắc đã đạt hoàn thành tốt vì môn học yêu cầu HS có những hiểu biết cơ bản, hướng tới hình thành cảm xúc, khả năng cảm thụ âm nhạc.
Yêu cầu cần đạt ở mỗi môn học, lớp học đều đã được cân nhắc phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và phù hợp với HS đại trà, không phải là môn học chỉ dành cho HS có năng khiếu".
MỖI ĐỨA TRẺ ĐỀU ĐÁNG KHEN
Nhiều ý kiến đồng tình với việc đánh giá cần sát thực tế hơn, không để xảy ra tình trạng "lạm phát HS giỏi" như dư luận lâu nay vẫn lo ngại. Tuy nhiên, không vì thế mà phủ nhận những mặt mạnh của mỗi đứa trẻ và cần có hình thức khen thưởng để động viên. Tránh trường hợp chỉ HS xuất sắc mới được khen.
Xung quanh ý kiến này, Vụ trưởng Thái Văn Tài cho rằng: "Việc đánh giá, khen thưởng cần được làm vì đứa trẻ. Nếu chọn cách tiếp cận này, ta sẽ thấy các quy định thế nào để giảm áp lực, căng thẳng nhất cho trẻ, giúp trẻ vui vẻ, tự tin, phấn khởi khi được khích lệ. Đặc biệt, nếu nghĩ cho trẻ thì cách đánh giá, khen ngợi cũng phải làm sao để không bỏ rơi những trường hợp đặc biệt. Ví dụ một HS khuyết tật vẫn hoàn thành được yêu cầu học tập, có ý thức tốt rất đáng khích lệ, khen thưởng. Hay một HS gặp biến cố nào đó nhưng vẫn vượt qua để hoàn thành tốt việc học, một HS vốn tiếp thu chậm nhưng có nỗ lực vượt bậc nên đã đạt kết quả tiến bộ so với chính bản thân các em… Những trường hợp như thế, tuy không đạt "xuất sắc" như tiêu chí được quy định, nhưng cũng rất đáng được khen, được thưởng. Các nhà trường không chỉ tặng giấy khen cho HS xuất sắc, HS giỏi mà có thể tặng giấy khen cho HS nổi bật ở một môn học, một hoạt động nào đó, hoặc có tiến bộ, vượt khó…".
Ông Tài cũng nhấn mạnh mục đích: "Khen phải vì đứa trẻ, không phải vì người lớn. Khi mục tiêu "khen" để phục vụ mong muốn, kỳ vọng của người lớn thì mãi mãi ta không giải quyết được tình trạng gây áp lực lên chính đứa trẻ. Tôi cũng mong các cơ quan, đoàn thể, hội khuyến học… khi thực hiện việc khen thưởng cho HS là con cán bộ, nhân viên cũng nghiên cứu quy định của Bộ GD-ĐT để có quy định phù hợp, thống nhất với tinh thần đánh giá, khen thưởng hiện hành. Cách khen làm sao để con trẻ được vui, được khích lệ chứ không phải khen để cha mẹ bức xúc, áp lực tiếp tục dồn lên đứa trẻ. Đây cũng là điều Bộ GD-ĐT mong muốn được xã hội, các bậc phụ huynh thấu hiểu, đồng hành".
Yêu cầu trong đánh giá HS tiểu học cao hơn trung học ?
Ngày 29.5, độc giả Báo Thanh Niên phản ánh: "Tại sao việc đánh giá HS tiểu học lại yêu cầu cao hơn nhiều so với đánh giá HS trung học". Theo độc giả này, cấp trung học đánh giá theo Thông tư 22, các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục... chỉ có 2 mức đạt và không đạt; xếp loại xuất sắc chỉ cần các môn này được đánh giá là "đạt".
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 27 trong đánh giá, xếp loại HS tiểu học thì các môn đánh giá bằng nhận xét lại yêu cầu 3 loại: hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành. Do vậy, nhiều HS chỉ vì một trong số các môn này được đánh giá ở mức 2 là "hoàn thành" sẽ không đạt xuất sắc. Việc này tạo áp lực không đáng có cho HS tiểu học. "Tại sao có sự khác biệt trong đánh giá giữa hai cấp học như vậy từ chính Bộ GD-ĐT", độc giả này đặt câu hỏi.