Làm thêm tác động 2 chiều tới việc học của sinh viên
Trước câu hỏi việc làm thêm ảnh hưởng đến việc học tập của sinh viên như thế nào, một số trường ĐH cho biết đây là sự tác động 2 chiều.
Tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó giám đốc Trường ĐH Lâm nghiệp Phân hiệu tại tỉnh Đồng Nai, cho biết bản thân việc làm thêm có những tác động tích cực tới sinh viên. Quá trình làm thêm giúp sinh viên phát triển thêm các kỹ năng mềm từ thực tế môi trường công việc. Với những sinh viên làm các việc gắn với ngành học, các em còn có cơ hội phát triển thêm các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Cộng với kiến thức được học trong nhà trường, quá trình tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm thực tế giúp sinh viên tìm việc làm thuận lợi hơn sau tốt nghiệp.
"Chưa kể, số lượng không nhỏ sinh viên ĐH có hoàn cảnh gia đình không khá giả, việc làm thêm giúp các em trang trải cho bản thân. Có những trường hợp, sinh viên buộc phải đi làm để có tiền ăn học", ông Châu nói.
Nhưng mặt khác, Phó giám đốc này cho rằng làm thêm cũng có những tác động nhất định đến quá trình học tập của sinh viên. Ông Châu cho biết Trường ĐH Lâm nghiệp Phân hiệu tại tỉnh Đồng Nai từng triển khai một đề tài tìm hiểu lý do sinh viên dừng việc học giữa chừng. Nhiều nguyên nhân được tìm ra, trong đó có những trường hợp xuất phát từ việc làm thêm quá nhiều.
"Tôi còn nhớ, 1 sinh viên vừa học vừa làm thêm công việc môi giới bất động sản, có thời điểm thu nhập lên tới 50 triệu đồng/tháng. Nhưng sinh viên này đã bị cuốn theo việc làm thêm và không hoàn tất việc học, cuối cùng không thể tốt nghiệp", tiến sĩ Châu kể.
Cần giải pháp để kiểm soát được giờ làm thêm của sinh viên
Từ phân tích trên, tiến sĩ Mai Hải Châu cho rằng, quy định số giờ tối đa sinh viên có thể làm thêm đã được nhiều nước áp dụng, đặc biệt cho sinh viên quốc tế. Quy định này chính là một biện pháp khống chế về mặt kỹ thuật để tránh tình trạng sinh viên sa đà quá mức vào việc làm thêm, ham kiếm tiền sao nhãng việc học. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, ông Châu đặt vấn đề: "Thang đo nào để đưa ra mức tối đa 20 giờ/tuần là phù hợp? Phân loại đối tượng sinh viên để quy định số giờ làm thêm tối đa như thế nào? Quy định này nếu triển khai còn nhiều vấn đề phải bàn".
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng quy định giờ làm thêm tối đa cho sinh viên là cần thiết. Bởi lẽ, thực tế có một số ít sinh viên làm thêm quá nhiều ảnh hưởng đến quá trình học tập. Bản thân quy định được ban hành sẽ giúp sinh viên tự có ý thức hơn về làm thêm, cân đối hơn giữa việc học và làm việc để đảm bảo tiến độ học tập.
Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng việc kiểm soát số giờ làm việc của người học không hề dễ. "Hơn nữa, số giờ tối đa dành cho việc làm thêm có thể 4 giờ/ngày thay vì 20 giờ/tuần như dự thảo", ông Nhân ý kiến.
Cán bộ một trường ĐH tư thục tại TP.HCM cũng cho rằng quy định sinh viên được làm thêm tối đa bao nhiêu giờ/tuần không phải là điều dễ dàng. Bởi lẽ từng công việc hoặc từng lĩnh vực có thể sẽ có sự khác nhau về cường độ, chất lượng, yêu cầu. Các con số quy định nên có tham chiếu ở nhiều khía cạnh, ví dụ khảo sát và tham chiếu từ các trường...
"Tuy nhiên, ở khía cạnh xã hội và cuộc sống đôi khi để chính sách được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cũng đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên. Đặc biệt, cần nhìn nhận từ thực tế đời sống sinh viên Việt Nam vốn dĩ xuất thân từ mặt bằng kinh tế khác nhau, nhưng số đông phải làm thêm phục vụ việc học", cán bộ này chia sẻ thêm.