Khi chúng tôi có mặt trong tiết lịch sử - địa lý lớp 4, cô Nghi mang đến cho học trò tiết học về Thăng Long - Hà Nội. Lớp được chia thành các nhóm, HS được trải nghiệm cách học tập qua các trạm, tham gia các trò chơi để cùng lĩnh hội được kiến thức. Hai trẻ đặc biệt trong lớp của cô Nghi cùng làm việc nhóm, có lúc có bạn lơ đễnh, hoặc muốn được nghỉ sớm hơn, cô Nghi quan sát và lắng nghe, động viên, dỗ dành.
"Tôi đặt mình vào vị trí của phụ huynh những em bé hòa nhập. Chúng ta có thể gắn bó với 1 - 2 HS, có thể chỉ trong 9 tháng của năm học, mỗi ngày vài giờ đồng hồ thôi. Còn phụ huynh của các em đồng hành, đi theo, vất vả cùng các em, tốn không ít công sức, tâm trí, tiền bạc… cho các em suốt cả cuộc đời. Nghĩ vậy nên tôi thấy mình giúp được gì cho các em thì cố gắng hết sức", cô Nghi bộc bạch.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, thời gian qua các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt việc thu nhận trẻ khuyết tật học hòa nhập. Sở đánh giá các GV có nhiều nỗ lực, trách nhiệm, tìm hiểu nghiên cứu các biện pháp thích hợp để nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả. Cụ thể như việc quan tâm xây dựng bố trí phòng dạy tiết cá nhân, xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân nhằm tác động hỗ trợ thêm cho trẻ; tạo điều kiện cho trẻ được hòa nhập trong các hoạt động, tôn trọng và yêu thương trẻ…
Những năm gần đây, năm học nào Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (Q.8, TP.HCM) cũng đón HS khuyết tật học hòa nhập. Cô Phùng Lê Diệu Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sẽ căn cứ tổng số trẻ có giấy xác nhận tình trạng khuyết tật để sắp xếp về các lớp.
"Mỗi năm, các GV được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục, chăm sóc HS khuyết tật học hòa nhập. Song GV chủ nhiệm của các lớp có trẻ hòa nhập luôn được chọn từ các GV có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi cũng động viên các thầy cô giáo, dù mỗi ngày các thầy cô vất vả với cả lớp, nhưng hãy quan tâm tới các em bằng cả tấm lòng. Các em vốn rất thiệt thòi, gia đình các em rất vất vả, thầy cô mỗi người giúp một chút với sự bao dung, kiên trì để dần dần các em có sự tiến bộ hơn", cô Phùng Lê Diệu Hạnh nói.