Bộ GD-ĐT vừa chốt quy chế tuyển sinh THCS, THPT, trong đó quy định không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp. Theo đó, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT, thông tư quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: toán, ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba do sở GD-ĐT lựa chọn.
Đáng chú ý, quy chế quy định: môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp. Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kỳ 1 nhưng không muộn hơn ngày 31.3 hằng năm.
Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Đối với các trường THPT thuộc Bộ GD-ĐT, ĐH, trường ĐH, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học còn lại do Bộ GD-ĐT, ĐH, trường ĐH, viện nghiên cứu trực tiếp quản lý lựa chọn.
Như vậy, so với dự thảo xin ý kiến xã hội tháng 10.2024, quy chế ban hành chính thức có điều chỉnh một chút, thay vì yêu cầu việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản như dự thảo, thì quy chế chính thức cụ thể hóa là tối đa 3 năm phải thay đổi môn thi thứ ba.
Bộ GD-ĐT cho rằng, quy chế mới có tác dụng thúc đẩy hoạt động giáo dục toàn diện, chuẩn bị bước đầu cho HS những phẩm chất, năng lực để có đủ điều kiện học tập ở cấp học cao hơn hoặc có thể học nghề theo định hướng hướng nghiệp, phân luồng. Ngoài ra, môn thi, phương thức tuyển sinh cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra đánh giá định kỳ; phù hợp với xu thế đổi mới.
Sau khi tiếp cận quy chế mới, một nhà giáo bình luận: "Quy định về môn thứ ba rất nửa vời. Nếu như địa phương nào chỉ muốn thi môn thứ ba là tiếng Anh mà muốn không "phạm luật" thì có thể thi 3 năm liên tiếp là tiếng Anh, đến năm thứ tư sẽ thi một môn khác (nhẹ nhàng như giáo dục công dân) rồi sau đó lại tiếp tục thi 3 năm môn tiếng Anh rồi... chờ Bộ sửa quy chế là vừa".
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trên cơ sở quy chế này, sở sẽ xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10, phương án môn thi thứ ba của năm học tới, trình UBND TP xem xét, phê duyệt.
BỔ SUNG CHẾ ĐỘ CỘNG ĐIỂM KHUYẾN KHÍCH
Quy chế mới cũng thay đổi chính sách cộng điểm đối với học sinh (HS) thi vào lớp 10 công lập. Bộ GD-ĐT quy định mức cộng điểm khuyến khích từ 0,5 - 1,5 điểm cho HS giỏi đoạt giải cấp tỉnh do sở GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ngành tổ chức trên quy mô toàn tỉnh đối với cuộc thi tổ chức ở cấp quốc gia.
Cụ thể, HS đoạt giải nhất được cộng 1,5 điểm, HS giải nhì được cộng 1 điểm, HS giải ba được cộng 0,5 điểm. Điểm khuyến khích được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi, bài thi.
Nhiều năm qua Bộ GD-ĐT đã bỏ cộng điểm khuyến khích với HS đoạt giải tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, khi bổ sung chế độ cộng điểm khuyến khích này vào quy chế mới, Bộ GD-ĐT cũng lưu ý: dù cộng điểm cho HS đoạt giải cấp tỉnh nhưng chỉ với những cuộc thi có tổ chức ở cấp quốc gia. Như vậy, các cuộc thi HS giỏi các môn văn hóa như: toán, văn, ngoại ngữ… như các sở GD-ĐT tổ chức không phải là cuộc thi sẽ được tổ chức ở cấp quốc gia nên dù HS đoạt giải cũng không được cộng điểm vào lớp 10.
Với những HS THCS đoạt giải cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các bộ và cơ quan ngang bộ tổ chức trên quy mô toàn quốc đối với các cuộc thi, kỳ thi, hội thi về văn hóa, văn nghệ, thể thao; cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; HS THCS đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định chọn cử, thì sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10.
CÔNG BỐ ĐIỂM CHUẨN ĐỒNG THỜI VỚI ĐIỂM THI
Theo quy chế mới, điểm xét tuyển vào lớp 10 là điểm tổng của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm 10 với mỗi môn thi, bài thi nhưng quy chế không quy định cụ thể về hệ số các môn thi mà để địa phương tự quyết định.
Đáng chú ý, quy chế yêu cầu việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi. Lâu nay, Hà Nội hay TP.HCM đều công bố điểm thi trước rồi mới công bố điểm chuẩn. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng để thực hiện quy định này, chắc chắn Sở GD-ĐT Hà Nội phải bàn bạc và nghiên cứu cách làm phù hợp nhất. Hà Nội có đặc thù là ngoài các trường THPT do sở quản lý, còn nhiều trường THPT trực thuộc các trường ĐH, việc tuyển sinh của các trường này cũng tác động đến việc xác định điểm chuẩn của trường THPT của sở.
Thời gian làm bài thi từng môn
Về thời gian làm bài thi, thông tư quy định: môn ngữ văn 120 phút; môn toán 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông THCS, chủ yếu là lớp 9.
TP.HCM giữ ổn định thi lớp 10 với 3 môn như những năm trước
Ngày 8.1, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, đã thông tin chính thức với Thanh Niên về quy định tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT.
Theo quy định, sau khi Bộ ban hành quy chế, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp, trong đó có tuyển sinh lớp 6, lớp 10 để trình UBND TP.HCM phê duyệt, dự kiến ban hành vào tháng 2.
Đề cập kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026, ông Minh cho hay quan điểm của TP.HCM là giữ ổn định việc tổ chức như các năm học trước, trên cơ sở có rà soát và đảm bảo thực hiện theo đúng quy chế thi tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM có 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ (trong đó thí sinh dự thi môn tiếng Anh là chủ yếu) nếu đăng ký nguyện vọng lớp 10 thường và môn chuyên, tích hợp nếu đăng ký nguyện vọng lớp 10 chuyên, tích hợp.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc lựa chọn môn ngoại ngữ làm môn thứ 3 đảm bảo được vấn đề giữ ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp của tất cả học sinh do đặc điểm xuyên suốt trong Chương trình GDPT 2018. Đồng thời việc lựa chọn môn ngoại ngữ đáp ứng đúng với mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra trong Kết luận 91-KL/TW về việc đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học và hướng tới cho người học với xu hướng thành công dân toàn cầu trong tương lai.
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục kiên định thực hiện việc đổi mới đề thi theo định hướng đánh giá năng lực học sinh. Song đề thi theo hướng đánh giá năng lực người học sẽ được TP.HCM thể hiện rõ nét hơn, theo đúng định hướng của Chương trình GDPT 2018.
Bích Thanh