Hai hôm nay, cùng trên Báo Thanh Niên, tôi đọc được 2 câu chuyện xúc động về những nỗ lực giúp HS vùng bão lũ trở lại trường học, tiếp tục cuộc sống.
Đó là Chương trình tiếp sức trở lại trường hỗ trợ trẻ em hậu bão Yagi "Nối vòng tay ấm" do T.Ư Đoàn và Quỹ Niềm tin vàng cùng Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE), Công ty Kết nối nhân tài (Talentnet) và Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling)…
Tính đến ngày 17.9, tổng chi phí cho chương trình là 3,7 tỉ đồng. Chương trình không chỉ dừng lại ở việc trao quà hỗ trợ HS trở lại trường gồm cặp sách, bút viết, sách giáo khoa mà sẽ có thêm những công trình, phần việc cụ thể nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng HS để thiên tai không làm gián đoạn việc học cũng như tương lai của các em.
Đó là quyết định đầy nhân văn của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), nhận nuôi tất cả trẻ em, HS may mắn còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, Lào Cai.
Bên cạnh những câu chuyện đẹp cụ thể nói trên, về mặt chính sách, để thầy trò ở những nơi hứng chịu bão lũ sớm ổn định cuộc sống, việc làm, công tác dạy học hồi sinh, ngành giáo dục, ngoài những chủ trương đã ban hành, cũng cần thêm những giải pháp.
Trong đó, cần nhanh chóng cử tổ công tác về các địa phương chịu hậu quả nặng nề do bão Yagi để nắm bắt, tổng hợp nhu cầu trước mắt lẫn lâu dài. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình hành động vì đồng bào, thầy trò vùng bão lũ của ngành giáo dục cả nước.
Với tinh thần "lá lành đùm lá rách", Bộ GD-ĐT phân công cụ thể - tỉnh giúp tỉnh, trường giúp trường. Ngoài ra, ngành giáo dục có thể tuyển tình nguyện viên từ hàng chục triệu học sinh THPT, sinh viên, hàng triệu giáo viên, giảng viên giúp các vùng còn nhiều khó khăn vừa dạy vừa học vừa tái thiết.
Với những HS không may lâm cảnh mồ côi sau bão Yagi, ngành giáo dục hỗ trợ các em về mọi mặt. Nếu được người giám hộ và các em ấy đồng thuận, đưa các em về trường vùng xuôi, lo toàn bộ chi phí ăn học, giúp các em vơi nỗi đau mất ba, mất mẹ, gượng đứng dậy học hành vì cuộc sống mai này.
Hàng chục nhà giáo, HS thiệt mạng và mất tích do bão Yagi. Mất mát này là quá lớn. Ngành giáo dục cần tập hợp số liệu chính xác, thông tin cho toàn ngành, ấn định thời điểm để thầy cô giáo, HS, sinh viên cả nước dành phút tưởng niệm. Qua đó, nhân lên sự cảm thương, thấu hiểu, kết nối cộng đồng, gắn bó trách nhiệm, rèn kỹ năng sống tử tế.
Bộ GD-ĐT cũng cần sớm ban hành chương trình linh hoạt cho các cơ sở giáo dục bị gián đoạn dạy học, chịu quá nhiều mất mát, thiệt hại vì bão Yagi.
Hơn lúc nào hết, cần lắm sự chung tay để con đường đến trường an vui trở lại.