Nâng số giờ làm thêm, vì sao?
Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC) hôm 15.11 (ngày 16.11 theo giờ Việt Nam) thông báo tăng số giờ du học sinh được phép đi làm thêm ngoài khuôn viên trường trong thời gian học, lên tối đa 24 giờ/tuần thay vì chỉ 20 giờ như trước. Trong khi đó, nếu làm thêm trong trường hay ngoài trường nhưng vào kỳ nghỉ, sinh viên quốc tế vẫn có thể đi làm thêm không giới hạn thời gian như cũ.
Ông Marc Miller, Bộ trưởng IRCC, nói quy định mới vừa tạo điều kiện cho du học sinh đi làm kiếm thêm thu nhập, vừa đảm bảo các bạn vẫn tập trung học hành. "Các bạn sinh viên quốc tế xứng đáng có những trải nghiệm tích cực và thành công tại Canada. Những thay đổi ngày hôm nay sẽ góp phần vào điều đó", ông chia sẻ trong một thông cáo.
Theo IRCC, sinh viên quốc tế muốn đi làm thêm mà không cần giấy phép lao động phải học toàn thời gian ở các trường được chính phủ Canada công nhận (CĐ, ĐH, dạy nghề). Chương trình học phải kéo dài ít nhất 6 tháng và cấp bằng, chứng chỉ liên quan. Trước đó, trong giai đoạn Covid-19, Canada cũng từng nâng giới hạn làm thêm lên 40 giờ/tuần để giải quyết tình trạng thiếu lao động, song chính sách này đã kết thúc hồi tháng 4.
Một quy định mới khác, theo ông Miller, là du học sinh muốn chuyển trường trong khi học ở Canada nay phải xin giấy phép du học mới, thay vì chỉ cần cập nhật thông tin liên quan lên hệ thống của IRCC. Ngoài ra, các trường không làm đúng những yêu cầu IRCC đặt ra nay có thể bị đình chỉ tiếp nhận sinh viên quốc tế mới tối đa trong một năm. "Các cải tiến này hỗ trợ du học sinh và bảo vệ trải nghiệm học tập của họ", IRCC nêu.
Trước đó vài ngày, IRCC đột ngột dừng chương trình du học diện miễn chứng minh tài chính (SDS), là chương trình visa ưu tiên áp dụng ở 14 quốc gia trong đó có Việt Nam. Đồng nghĩa, người Việt nay phải chứng minh tài chính bằng ít nhất một trong các giấy tờ được đề cập trong quy định, thay vì chỉ cần chứng nhận đầu tư bảo đảm (GIC) trị giá 20.635 CAD (374 triệu đồng) cấp bởi các ngân hàng Canada.
Việc ngừng SDS đồng nghĩa người Việt nay có khả năng phải đối diện với quy trình xét duyệt giấy phép du học khó và chậm hơn trước. Bởi lẽ, dữ liệu từ IRCC vào năm 2022 chỉ ra có 22% người Việt nộp đơn xin giấy phép du học theo diện SDS, tỷ lệ chấp thuận là 77% - cao hơn 16% so với quy trình thường. Mặt khác, thời gian xét duyệt trung bình với SDS là 20 ngày, còn quy trình thường là 11 tuần, theo cập nhật hôm 5.11 từ IRCC.
Các thay đổi đáng chú ý trong năm nay
Trong 12 tháng qua, Canada liên tiếp ban hành nhiều quy định với mục tiêu cắt giảm số người tạm trú ở nước này, trong đó có du học sinh. Cụ thể, Canada giới hạn chỉ tiêu cấp giấy phép du học mới mỗi năm và vào năm 2025, Canada sẽ chỉ cấp tối đa 437.000 giấy phép du học mới. Mức này cũng bao gồm cả thạc sĩ và tiến sĩ, thay vì chỉ giới hạn ở bậc cử nhân như năm 2024.
Ngoài ra, từ đầu tháng 11, IRCC quy định đương đơn muốn xin giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP) giờ phải bổ sung chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp theo yêu cầu của cấp độ học. Ngoài ra, với những trường hợp không tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở trường ĐH, đương đơn phải học những ngành trong danh sách mà IRCC công bố mới được xin PGWP.
Trước đó, IRCC cũng tăng gấp đôi yêu cầu chứng minh tài chính đối với sinh viên quốc tế, lên mức 20.635 CAD, bên cạnh học phí, chi phí đi lại trong năm đầu tiên. IRCC còn quy định đương đơn theo học các chương trình thạc sĩ có thời lượng đào tạo từ 16 tháng trở lên mới đủ điều kiện để vợ hay chồng xin giấy phép đi làm, thay vì chỉ cần học thạc sĩ như trước.
Tuy nhiên, chuyên gia nhận định việc thắt chặt quy định giúp du học sinh Việt có thể hưởng nhiều lợi ích tích cực. Việc chính phủ siết quy định cũng không ảnh hưởng đến các trường tại Canada, khi nhiều đơn vị quyết định áp dụng chính sách tuyển sinh bằng điểm học bạ và tiếng Anh với người Việt vào năm 2025.
Theo báo cáo từ IRCC, Canada thu hút hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đến học trong năm 2023. Thống kê của IRCC cũng cho thấy tổng số người Việt học tập tại Canada từng có xu hướng giảm liên tục, từ 21.480 người vào 2019, đến 2022 còn 16.140 người. Nhưng vào năm 2023, du học sinh Việt ở Canada tăng nhẹ, lên 17.175 người và giữ vị trí thứ 8 về số lượng.