Về thi tuyển vào lớp 10, dự thảo quy định số lượng môn thi là 3 môn, gồm: toán, ngữ văn và một môn thi do sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Hiện nay ngoài môn toán và ngữ văn (bắt buộc) các môn còn lại trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm: Ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật, tin học. Vậy môn công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật có tham gia là môn để bốc thăm hay không? Vì đây cũng là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Khi thực hiện bốc thăm, nếu trúng lịch sử và địa lý hoặc khoa học tự nhiên thì số môn thi thực chất không phải là 3 mà có thể là 4 hoặc 5 môn. Ví dụ: toán, ngữ văn, lịch sử và địa lý (toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý); toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên (toán, ngữ văn, lý, hóa, sinh). Như vậy là rất nặng cho học sinh về kiến thức, tăng áp lực thi cử…
Học sinh có thể chọn môn thi?
Các sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm 1 trong 8 môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và công bố trước ngày 31.3 hàng năm. Như vậy học sinh sẽ phải học đều tất các môn để thi là rất nặng. Vì vậy có ý kiến cho rằng môn thi thứ 3 (bốc thăm) nên để cho học sinh tự chọn thì thuận lợi hơn, nhằm phát huy được năng lực phẩm chất từng học sinh theo mục tiêu chương trình 2018 và cũng phù hợp với việc định hướng nghề nghiệp, tiếp cận tương thích chọn tổ hợp môn thi vào học lớp 10, cũng như định hướng thi tốt nghiệp THPT 2025 với 2 môn bắt buộc toán ngữ văn và 2 môn tự chọn.
Ngoài ra, có thể tính đến giải pháp quy định số lượng môn thi là 2 môn, gồm toán và ngữ văn là đảm bảo yêu cầu mục đích thi tuyển mà không cần phải thêm môn thứ 3, giảm được môn thi, thời gian thi… Trước đây, Bộ GD-ĐT cũng đã thực hiện thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập chỉ với 2 môn là toán và ngữ văn rồi và vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào để tiếp tục học THPT.
Nếu học sinh được lựa chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10
Liên quan vấn đề này, hiệu phó một trường THPT tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) nói rằng quy định việc bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học để chọn ra môn thi thứ 3 cho kỳ tuyển sinh lớp 10 là điều không nên. Đó là 1 kiểu áp đặt thụ động cho cả người học lẫn nhà trường; là hình thức cực đoan và khó cho định hướng học, thi cũng như định hướng nghề.
Theo hiệu phó này, phương thức phù hợp là giao địa phương theo cơ chế giao quyền và tăng tính chủ động, người đứng đầu chính quyền các địa phương sẽ chọn vào ban hành quyết định căn cứ vào tham mưu của ngành GD-ĐT, giống các năm trước. Điều này giúp học sinh có định hướng ngay từ các năm đầu cấp THCS, phù hợp với đề án phát triển ngành giáo dục và đặc thù của địa phương.
Cũng theo vị này, còn nếu muốn đổi mới thì nên chăng chúng ta đưa ra hình thức có tính "đột phá" là cho học sinh chọn. Mục tiêu và yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, trong đó cấp THPT học sinh học theo định hướng nghề nghiệp và chọn tổ hợp môn học. Để đảm bảo yêu cầu này cần nghiên cứu theo hướng cho học sinh chọn môn thi giống thi tốt nghiệp THPT. Học sinh căn cứ năng lực, định hướng nghề nghiệp và các yêu cầu cần có sẽ chọn môn thi thứ 3 (thay vì chỉ định hay bốc thăm). Việc làm này cần có thông tin về cơ cấu các tổ hợp môn của các trường THPT mà các em muốn thi vào có phù hợp tổ hợp môn thi và ngành nghề các em chọn sau THPT hay không? Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cấp THCS phải thật sự hiệu quả. Việc cho phép học sinh chọn môn thi thứ 3 sẽ giúp hạn chế chọn trường điểm nhưng không có tổ hợp môn học các em yêu thích hoặc không phù hợp định hướng nghề.
Bích Thanh
Nên quy định cụ thể điều kiện thi hay xét tuyển
Về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT, theo dự thảo, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương thức là xét tuyển và thi tuyển. Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD-ĐT cần quy định cụ thể.
Chẳng hạn đối với địa phương, trường THPT nếu số đăng ký thi tuyển bằng hoặc thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường THPT thì sở GD-ĐT tham mưu với UBND tỉnh tổ chức xét tuyển là hợp lý. Ngược lại, nếu số đăng ký thi tuyển cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh (từ 10% trở lên) thì sở GD-ĐT nên tham mưu UBND tỉnh thực hiện tổ chức phương thức thi tuyển.
Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 hàng năm sở GD-ĐT chủ động căn cứ vào tình hình đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, số lượng thí sinh đăng ký dự thi để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường là việc làm không khó.