Năm 2023, ban biên soạn sách giáo khoa của nhà xuất bản Giáo dục gửi thông báo với tôi rằng bài thơ Đàn ghi ta của Lorca được chọn lại để in vào sách giáo khoa lớp 12 (Chương trình GDPT 2018) dùng cho năm học 2024-2025.
Tôi vui vì bài thơ được chọn lại vào sách giáo khoa, vui vì lời hứa hẹn của NXB Giáo dục Việt Nam sẽ trả tác quyền 8 triệu đồng cho bài thơ này.
Điều đáng vui là bài thơ tồn tại tới nay tròn 45 năm. Tôi không thể ngờ thời gian trôi nhanh thế.
Hồi năm 1979, tôi như tình cờ viết bài thơ Đàn ghi ta của Lorca. Tôi viết một mạch không phải sửa chữa gì, viết trong một cuốn sổ tay nhỏ, viết xong, đọc cho vài người bạn nghe, rồi để đó.
Tôi cũng không ngờ, 6 năm sau, bài thơ này được in trong tập thơ Khối vuông ru-bích (NXB Tác phẩm mới) hồi 1985.
Cứ ngỡ được như thế cũng là may mắn. Đến năm 2007, GS Trần Đình Sử gọi điện cho tôi, nói tôi gửi cho anh một số trích đoạn trong trường ca Khối vuông ru-bích để chọn in vào sách giáo khoa.
Tôi chọn vài đoạn và nhận thấy bài thơ Đàn ghi ta của Lorca ngắn dễ được đưa vào sách giáo khoa hơn trường ca, nhất là trường ca Khối vuông ru-bích không dễ đọc cho lắm.
Cũng không ngờ, sau khi đọc bài thơ Đàn ghi ta của Lorca, GS Trần Đình Sử gọi điện cho tôi, giọng rất vui. Anh nói sẽ chọn ngay bài thơ ngắn này vào sách giáo khoa lớp 12. Như vậy, từ năm học 2008-2009, bài thơ của tôi đã có mặt ở sách giáo khoa ngữ văn lớp 12.
Vài năm đầu, bài thơ này không được giáo viên và học sinh hoan nghênh cho lắm, vì thơ “có vẻ khó hiểu”. Tôi đã hơn một lần giải thích trên phương tiện thông tin đại chúng rằng, bài thơ không khó hiểu, thầy cô nên bình tĩnh và nhẹ nhàng xử lý, rồi sẽ ổn thôi mà.
Chỉ vài năm sau đó, bài thơ được đón nhận, từ giáo viên tới học sinh. Sự đón nhận rất ấm áp, khiến tác giả là tôi thấy… lâng lâng. Có nhà thơ nào không mong thơ mình được người đọc đón nhận cơ chứ?
Tính tới nay, bài thơ Đàn ghi ta của Lorca có mặt trong sách giáo khoa lớp 12 tròn 15 năm. Mỗi lần lên mạng internet, tôi lại được đọc thêm những bài mới viết về bài thơ này, khen là chính chứ không còn chửi bới. Tôi thật sự lấy làm mừng, cảm ơn thầy cô và học sinh đã chấp nhận bài thơ nhỏ của tôi.
Nhìn lại, bài thơ có tuổi đời 45 năm là quá trưởng thành rồi. Tôi không biết bài thơ này còn “sống” thêm được bao nhiêu năm nữa dù nó là “con đẻ” của tôi.