Thạc sĩ Đồng Thị Tuyết Hạnh, Trưởng phòng Khảo thí - Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2024 sẽ tương tự các năm trước, đây là một bài thi tổng hợp, các nội dung cơ bản mà các em đã học trong chương trình phổ thông, đề có 120 câu hỏi, làm bài trong 150 phút.
"Các em học sinh cần lưu ý trong cách học ở bậc THPT, hãy nắm vững kiến thức ở trên lớp, bài thi sẽ có những câu hỏi không chỉ giới hạn trong lớp 12 mà còn ở lớp 10, lớp 11. Các em hãy học đều các môn, chủ động trong học tập, đồng thời rèn luyện các kỹ năng như đọc hiểu, suy luận logic, phân tích thông tin, tổng hợp thông tin, giải quyết vấn đề…", thạc sĩ Hạnh nói.
Về kỹ thuật làm bài, thạc sĩ Hạnh cho biết đề thi dài 15 - 16 trang, các thí sinh cần rèn kỹ năng đọc nhanh, đọc kỹ câu hỏi, chuẩn bị các kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm tốt như kỹ năng suy đoán, kỹ năng loại trừ, làm các câu dễ trước, câu khó làm sau.
Thạc sĩ Hạnh cũng cho hay, định hướng đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ có một chút điều chỉnh, để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài những phần ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Việt, toán, logic, phân tích dữ liệu, thì phần giải quyết vấn đề năm 2025 sẽ có một chút điều chỉnh. Phần này sẽ là kiến thức của 6 môn, học sinh lựa chọn 3 trong 6 môn.
CẨN THẬN TỪNG CÚ CLICK CHUỘT
Bên cạnh ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn cũng tổ chức kỳ thi riêng. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đây là năm thứ ba nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, học sinh lớp 11 cũng có thể tham gia kỳ thi; nếu kết quả tốt, các em có thể bảo lưu để năm 2025 sử dụng xét tuyển vào ĐH. Bài thi này được thực hiện trên máy tính có cả phần trắc nghiệm và tự luận với môn ngữ văn.
"Có 2 điều tôi muốn nhấn mạnh tới các em. Thứ nhất, tất cả các khâu trong quá trình làm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đều thực hiện trên máy tính, từng cú click chuột, enter… của các em phải hết sức chú ý, không thể chỉnh sửa khi đã ra kết quả cuối cùng. Thứ hai, tới nay nhà trường không tổ chức khóa ôn thi, luyện thi nào. Đâu đó có những thông tin về luyện thi, chắc chắn không do nhà trường tổ chức", thạc sĩ Quốc lưu ý.
LƯU Ý VỀ KỲ THI V-SAT
Thạc sĩ Cao Minh Thành, Phó trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Sài Gòn, cho hay nhà trường có kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính, còn được gọi là V-SAT, đây là kỳ thi độc lập với các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM hay các trường khác.
Năm nay, bên cạnh Trường ĐH Sài Gòn còn có Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Cần Thơ có tổ chức kỳ thi.
Năm 2024, Trường ĐH Sài Gòn tổ chức 2 đợt thi V-SAT, vào cuối tháng 4 và giữa tháng 5. Thí sinh có thể đăng ký thi cả 7 bài thi các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh, lịch sử, địa lý, hoặc tùy số môn, tối thiểu đủ cho một tổ hợp xét tuyển vào trường ĐH của các em.
"Kết quả thi các em có thể dùng để xét tuyển vào 27 ngành ở trường, không có các ngành đào tạo giáo viên", thạc sĩ Thành lưu ý.
Về cấu trúc đề thi, mỗi môn có 25 câu hỏi, thời gian làm bài từ 60 - 90 phút. Các dạng câu hỏi gồm: câu hỏi trắc nghiệm đúng - sai; câu hỏi trắc nghiệm ghép hợp, ghép cột trái với cột phải; dạng câu hỏi trả lời ngắn. 90% câu hỏi là kiến thức lớp 12, còn lại là lớp 10, lớp 11. Mức độ mỗi câu hỏi nằm trong 4 mức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Học sư phạm mà không làm trong ngành giáo dục thì có sao không ?
Đó là câu hỏi của học sinh Nam Anh, lớp 12A13 Trường THPT Marie Curie, tại chương trình. Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết với nhóm ngành đào tạo giáo viên, khi trúng tuyển, nếu thí sinh đăng ký hưởng chế độ theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ thì được miễn học phí 4 năm, được trợ cấp sinh hoạt phí mỗi tháng 3,6 triệu đồng. Sinh viên phải bồi hoàn kinh phí đào tạo nếu không công tác trong ngành giáo dục, được quy định cụ thể trong nghị định nói trên.