Bên cạnh đó, chỉ 36% người trưởng thành ở Mỹ cho rằng họ “có nhiều niềm tin” vào nền giáo dục ĐH. Mức độ tin cậy này đã giảm dần từ mức 57% hồi năm 2015.
Trong số những người “có nhiều niềm tin” với giáo dục ĐH, chỉ có 33% chuộng chương trình đào tạo kéo dài 4 năm. Còn 49% chuộng những chương trình 2 năm, và số còn lại đưa ra ý kiến trung lập.
Ngoài ra, tỷ lệ những người theo đảng Cộng hòa có niềm tin vào giáo dục ĐH sụt giảm và thấp hơn người theo đảng Dân chủ, theo kết quả khảo sát.
Chia sẻ với hãng tin AP, ông Randy Hill, 59 tuổi, một người lái xe ô tô dịch vụ (theo đảng Cộng hòa), nói: “Chi phí học tập quá đắt đỏ và tôi nghĩ rằng các ĐH không hề dạy cho sinh viên những gì họ cần để có được việc làm”.
Cháu trai của ông Hill dự định sẽ học nghề hàn sau khi tốt nghiệp trung học. “Người trẻ tốt nghiệp ĐH, nợ nần chồng chất, không kiếm được việc làm và không thể trả hết nợ. Tại sao phải như vậy?", ông Hill nói.
Cuộc khảo sát được công bố trong bối cảnh nhiều sinh viên ĐH nợ học phí sau khi tốt nghiệp, làm trái nghề hoặc làm những công việc không cần bằng cấp. Các phụ huynh lẫn học sinh trung học dần thay đổi quan điểm và có xu hướng chuyển sang trường nghề (trade school) - vừa học vừa làm được hưởng lương.
Các báo The Guardian (Anh), The Wall Street Journal và USA Today (Mỹ) gần đây phản ánh ngày càng có nhiều người trẻ chọn trường nghề để được đào tạo trở thành thợ ống nước, thợ điện, thợ hàn, thợ mộc và các nghề tương tự.
Xu hướng này xuất phát từ tình trạng chi phí học ĐH quá cao đối với nhiều sinh viên và gia đình trong khi thị trường lại có nhu cầu cao về lao động có tay nghề.
Theo tờ USA Today, năm 1980, chi phí học 4 năm ĐH ở Mỹ là 10.231 USD/năm, bao gồm học phí, tiền thuê phòng ký túc xá và sinh hoạt phí. Hiện nay, chi phí học tại một ĐH công lập là gần 40.000 USD/năm cho mỗi sinh viên.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu về giáo dục và nhân lực của ĐH Georgetown (Mỹ) bày tỏ lo ngại, số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH giảm có thể khiến tình trạng thiếu nhân lực trở nên trầm trọng hơn trong nhiều lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến công nghệ thông tin.