Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết việc ký kết nhằm triển khai Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (giai đoạn 2021 - 2030) được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt trong năm 2023. Theo đề án, sẽ có 13 điểm với 8 tuyến du lịch trên tổng diện tích 486 ha. Trong đó, diện tích xây dựng dự kiến trên 40 ha. Nguồn vốn thực hiện đề án gần 2.800 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.
Ngoài rừng phòng hộ Tân Phú, trong năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai với nguồn vốn đầu tư 991 tỉ đồng.
Dung hòa nhu cầu
Nhận xét về mô hình đầu tiên cho một doanh nghiệp thuê môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bạn đọc (BĐ) Minh Nghĩa nhắc lại thời điểm năm 2023 Đồng Nai kiên quyết xử lý các khu du lịch sinh thái tự phát trên đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đất nông nghiệp… Thời điểm đó, chính quyền địa phương đã cam kết sẽ có phương án hợp lý hợp tình dành cho các hộ dân nhận khoán đất rừng, cũng như nhu cầu du lịch chính đáng của người dân. "Với việc ký kết hợp đồng, chính quyền đã giữ lời hứa là tạo cơ chế và hướng dẫn người dân, nhà đầu tư thực hiện cho đúng", BĐ Minh Nghĩa nhận định.
Tán thành với nhận định trên, BĐ Trường Lưu cho hay: "Thay vì để phát sinh rồi đi xử lý những điểm du lịch sinh thái tự phát, cách làm này của Đồng Nai hy vọng vừa dung hòa được nhu cầu phát triển kinh tế, vừa kiểm soát được việc bảo vệ rừng. Cũng coi như xã hội hóa bảo vệ rừng, đây là một cách làm đáng để nghiên cứu, đúc kết, nhân rộng nếu hiệu quả". Đề cập vấn đề du lịch sinh thái trên đất rừng, BĐ Thuận An nhận xét ở một góc độ nhất định, với các hộ dân được giao khoán đất rừng thì "làm thêm du lịch sinh thái cũng là một cách sản xuất, bảo vệ rừng".
Nâng tầm quản lý
Tuy nhiên, câu chuyện nhãn tiền về các biến tướng "du lịch sinh thái" trên đất rừng phòng hộ mà nhiều địa phương phải chật vật xử lý trong thời gian dài khiến nhiều BĐ băn khoăn. "Có hay không nguy cơ môi trường rừng bị con người xâm thực một khi cho phép mở du lịch sinh thái?", BĐ H.Anh đặt câu hỏi.
Để hạn chế nguy cơ này, đa số BĐ cho rằng tự thân các cơ quan quản lý liên quan phải "nâng tầm" mới theo kịp nhu cầu. BĐ Thuận An nêu: "Mô hình này tốt, nhưng rất cần quản lý hiệu quả, nếu không lại vô tình phá hỏng cảnh quan rừng phòng hộ. Miễn đừng để dự án đội lốt nào biến đất rừng du lịch sinh thái thành dự án bất động sản".
Góp ý về cách "nhận diện biến tướng", BĐ Thủy phân tích: "Cần tránh xa các dự án gắn với khu nghỉ dưỡng cao cấp trong rừng. Vì du khách xác định đi nghỉ dưỡng sinh thái là phải thật gần với thiên nhiên. Không cần phòng ở sang trọng, bồn tắm, giường nệm đâu. Chỉ cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, an toàn thực phẩm và nhu cầu tối thiểu thôi. Vì vậy, khi cho thuê môi trường rừng cần đội ngũ chuyên môn kiểm soát chặt, chứ không thể qua loa".
"Một khi đã cấp phép dự án nào liên quan đến đất rừng thì sau đó cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cần thì chế tài xử phạt hay thu hồi, chứ đừng bỏ mặc cho chủ đầu tư", BĐ Nguyễn Thị Tâm nêu ý kiến.
Trọng tâm của vấn đề đó là những chính sách, quy chế, biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, nguồn nước, nguồn thủy sản và đa dạng sinh học một cách nghiêm túc, đồng bộ và khoa học.
Duy Minh
Địa phương tăng cường quản lý, doanh nghiệp tự giác quản lý, du khách ý thức giữ gìn mới đảm bảo rừng vẫn là rừng.
Tuấn An
Nếu có lợi thế tự nhiên để khai thác du lịch, chính quyền Đồng Nai nên nghiên cứu và tổ chức cho người dân kinh doanh du lịch hợp lý.
Dinh Trinh Cong