Thí điểm dùng cáp neo cành to vào thân cây
Công ty thuê 2 xe thang có thể vươn cao 40 m để nhân viên thuận tiện cưa một số nhánh cây dầu lớn trên cao có nguy cơ gãy đổ về phía đường Huyền Trân Công Chúa (đối diện Dinh Độc Lập).
Một nhân viên khác điều khiển flycam bay lên cao quan sát những cây xanh lớn tuổi, có cây khoảng 100 tuổi. Các vị trí ưu tiên quan sát gồm điểm giao giữa thân và nhánh, nếu thấy nghi ngờ nhân viên sẽ chụp ảnh rồi truyền qua điện thoại, phóng to lên để đánh giá.
Trước đây, những vị trí trên cao, nhân viên đứng phía dưới kiểm tra không thể thấy được khiếm khuyết của cây như mục, bọng bên trong, thì nay dùng flycam dễ phát hiện hơn.
Đặc biệt, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cũng thí điểm phương pháp dùng cáp neo cành cây to vào thân cây, vừa giữ an toàn cho cây tiếp tục sinh trưởng, vừa giảm rủi ro trong tình huống cành bị gãy.
Ở giai đoạn thí điểm, một số nhánh cây dầu ở phía đường Trương Định sẽ được neo lại. Công ty cây xanh sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh TP.HCM, cho biết doanh nghiệp được giao chăm sóc hơn 7.000 cây loại 3, tập trung ở công viên và đường phố các quận trung tâm TP.HCM.
Ngoài ra, một số quận huyện có nhiều cây lớn tuổi ở H.Hóc Môn, H.Củ Chi, TP.Thủ Đức, vừa trồng trên đường phố vừa trồng trong khuôn viên trường học, trụ sở cũng cần đánh giá thường xuyên.
Còn công viên Tao Đàn có nhiều cây cổ thụ, chủ yếu là sao, dầu, ông Sơn cho biết với cây cao lớn, công ty thuê một số xe thang 40 m gom tán, cắt nhánh tàn, neo giữ để đảm bảo an toàn. Với việc dùng flycam, nhân viên rà soát, ghi nhận hình thái bên ngoài, phân tích hình ảnh bằng kinh nghiệm và mời chuyên gia để đánh giá, trước khi đưa ra phương án xử lý tối ưu.
Lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cho biết đang nghiên cứu, tìm hiểu một số thiết bị có thể siêu âm được phần rễ cây bên dưới để đánh giá sức khỏe cây xanh tốt hơn. Bởi lẽ, trong điều kiện đô thị, bê tông hóa khiến cây xanh không thể sinh trưởng thuận lợi như trong tự nhiên. Nhiều cây nhìn bên ngoài thấy thân lá tươi tốt nhưng bên trong bị mục, rễ cây không khỏe mạnh dẫn đến bật gốc.
Phân loại cây cần bảo tồn và cây xanh bình thường
Có mặt tại công viên Tao Đàn, TS Đinh Quang Diệp (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) nhìn nhận so với các nước xung quanh, thiết bị kiểm tra, khám sức khỏe cây xanh ở TP.HCM vẫn còn kém xa.
Ngay từ khâu lựa chọn cây trồng cho đến khi hình thành được mảng xanh chưa phải hoàn chỉnh. Trong tương lai, TP.HCM phải chú ý đến chuyện này, chọn lựa cây trồng phù hợp, có vườn ươm để theo dõi diễn biến cây con ngay trong vườn ươm, chứ mua cây trôi nổi về trồng sẽ rất nguy hiểm. "Các bước đi như thế nào để hình thành mảng xanh thì có thể học tập Singapore", TS Diệp khuyến nghị.
Chuyên gia này cũng cho biết các nước xung quanh ta không có cây nào cao 50 - 60 m trồng trên đường phố như ở Việt Nam, nếu có thì đó là cây bảo tồn chứ không phải cây xanh bình thường. TP.HCM cần phân loại ra cây nào cần bảo tồn thì có giải pháp riêng, chứ như bây giờ cây lớn cây nhỏ chăm sóc như nhau là không hợp lý.
Cách đây hơn 20 năm, TS Đinh Quang Diệp cùng nhóm nghiên cứu đã khảo sát, báo cáo về hiện trạng cây bảo tồn trên địa bàn TP.HCM và đưa ra nhiều khuyến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế.
"Đối với cây cổ thụ, TP.HCM không thể nào chặt đồng loạt hết nhưng cần phải thay thế dần. Con người đến lúc nào đó cũng già đi, cây xanh cũng vậy. Khi thành thục với môi trường rồi, không còn phát huy được nữa thì phải xử lý", chuyên gia Đinh Quang Diệp phân tích thêm.