Cụ thể, tại TP.Thủ Dầu Một có 39 cơ sở, doanh nghiệp vi phạm như: Công ty cổ phần C-Holdings (P.Chánh Nghĩa) có quy mô 5 tầng, diện tích 850 m2 là trụ sở làm việc chưa được thẩm duyệt PCCC, nhưng đã đưa vào hoạt động từ năm 2021.
Nhà hàng Trần Long (P.Phú Thọ) có quy mô 2 tầng, diện tích 1.670 m2, đưa vào hoạt động năm 2018, chưa được thẩm duyệt PCCC. Khách sạn Trần Long (P.Hòa Phú, thuộc Công ty TNHH xây dựng dịch vụ thương mại Trần Long tại Bình Dương) có quy mô 6 tầng, diện tích 600 m2, đưa vào hoạt động từ năm 2014, chưa được thẩm duyệt PCCC.
Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bcons (P.Phú Cường) kinh doanh nhà hàng, khách sạn 6 tầng, khu hội nghị, cà phê nhà 3 tầng… tổng diện tích trên 1.250 m2, hoạt động từ 2017, chưa được thẩm duyệt lại về PCCC do công trình thuộc Tỉnh ủy Bình Dương cho thuê, sắp thu hồi đất….
Tại TP.Thuận An có 201 doanh nghiệp chủ yếu là nhà xưởng vi phạm PCCC đáng chú ý như Công ty TNHH thương mại – dịch vụ Tân Hiệp Phát (P.Vĩnh Phú) có khu nhà xưởng trên 16 ha chuyên sản xuất nước giải khát hoạt động từ 2001, chưa được thẩm duyệt PCCC.
Hay như khu nhà ở cao tầng Eden - Thuận An (Công ty TNHH Kim Đại Dương, P.Lái Thiêu) có tổng diện tích sàn xây dựng 40.705 m2 từ năm 2022 đã cho người dân vào ở dù không đảm báo an toàn PCCC và CNCH.
Ngoài ra, khu xưởng sản xuất, nhà kho của Chi nhánh 1, Công ty CP Đầu tư Thái Bình (giày Thái Bình, P.Bình Hòa) bao gồm 4 tòa nhà 4 tầng, kho và xưởng gia công … với diện tích hàng chục ngàn m2 hoạt động từ 2018 nhưng chưa thi công PCCC theo giấy chứng nhận thẩm duyệt.
Tại TP.Dĩ An có 71 doanh nghiệp, tổ chức vi phạm PCCC. Trong đó, đáng chú ý có Văn phòng UBND TP.Dĩ An bao gồm tòa nhà 5 tầng với diện tích hàng chục ngàn m2, hoạt động từ năm 2005, nhưng hiện đang tiến hành lập hồ sơ để nghiệm thu. Ngoài ra, có hàng chục trường học, cơ sở y tế và hạ tầng KCN… cũng nằm trong vi phạm PCCC.
Tại TP.Bến Cát có 109 cơ sở, doanh nghiệp vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật…
TP.Tân Uyên dẫn đầu danh sách các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm PCCC với 597 cơ sở, trong đó có hàng trăm công ty, nhà xưởng chế biến sản xuất đồ gỗ
Các huyện còn lại ở Bình Dương có hàng chục doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vi phạm PCCC như: H.Dầu Tiếng 23 cơ sở; H.Bàu Bàng 29 cơ sở; H.Bắc Tân Uyên 41 cơ sở; H.Phú Giáo 42 cơ sở.