Gần 1.300 tỉ đồng chưa thể giải ngân
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, băn khoăn trước tình trạng nhiều trang mạng đăng phát thông tin thật giả lẫn lộn, đồng thời đặt vấn đề giám sát thông tin trên mạng xã hội (MXH), có cách nào để người dân biết thông tin chính thống. ĐB này cũng lo ngại việc mua bán thông tin cá nhân tràn lan trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số ĐB khác quan tâm đến việc quảng cáo sai sự thật trên MXH, bảo vệ dữ liệu, giải ngân đầu tư công lĩnh vực CNTT…
Về chuyển đổi số, ông Lâm Đình Thắng cho biết trong những năm qua, TP.HCM tập trung đầu tư vào 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) tốt hơn. Hiện TP.HCM có kho dữ liệu dùng chung, gồm 25 cơ sở dữ liệu (CSDL) vận hành chính thức và 20 CSDL đang phát triển.
Trước phản ánh của ĐB về việc chậm giải ngân 1.290 tỉ đồng các hạng mục ứng dụng CNTT, ông Thắng lý giải từ tháng giữa năm 2023, các đơn vị, địa phương đề xuất nhu cầu, Sở TT-TT tổng hợp để báo cáo UBND TP.HCM vào cuối năm 2023. Do hồ sơ của một số đơn vị chưa đảm bảo đủ điều kiện nên cần điều chỉnh. Đến tháng 5.2024, UBND TP.HCM có quyết định bố trí vốn, dự kiến các hạng mục hoàn thành quý 3 - 4 năm nay. Dự kiến cuối tháng 7.2024, TP.HCM sẽ vận hành chính thức hệ thống quản lý đầu tư trên nền tảng số, giúp các đơn vị đăng ký, theo dõi việc bố trí vốn, tiến độ giải ngân.
Về hồ sơ trực tuyến, Giám đốc Sở TT-TT cho biết đến nay TP.HCM đã hợp nhất hơn 40 cổng dịch vụ công riêng lẻ, đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia, giao diện đơn giản, dễ thực hiện.
Cần có quy định trách nhiệm
Phân tích sâu hơn về thực trạng tin giả, ông Thắng cho biết thông tin trên MXH được cung cấp bởi 2 nguồn: các trang mạng trong nước có nguồn gốc rõ ràng được cấp giấy phép và các trang mạng không rõ nguồn gốc, nền tảng xuyên biên giới được nhiều người dùng như Facebook, YouTube, TikTok. Hiện phần lớn tin giả lan truyền trên các MXH này của nước ngoài. Điểm chung của các MXH này là chưa có đại diện pháp lý tại VN, sử dụng tên miền quốc tế, máy chủ đặt ở nước ngoài. Khi cơ quan chức năng của VN yêu cầu gỡ bỏ thì các DN né tránh.
Về nguyên do chủ quan, ông Thắng cho rằng việc phối hợp của cơ quan chức năng để xác định thông tin giả hiện không chặt chẽ và chưa kịp thời. Do vậy, cần có quy định trách nhiệm các bộ, ngành xác định tin giả, xấu độc, nhất là phải có người chủ trì kết luận tin giả và người phát ngôn.
Đối với TP.HCM, Giám đốc Sở TT-TT cho biết đang tham mưu thành lập Trung tâm xử lý tin giả và quy chế phối hợp giữa các sở ngành, địa phương nhằm xác định quy trình, thời gian xử lý, trách nhiệm của từng bộ phận. Ông Thắng cũng kiến nghị điều chỉnh quy định theo hướng tài khoản trên MXH phải định danh mới được bình luận, bao gồm các tài khoản xuyên biên giới.
Đối với quảng cáo trên MXH, ông Thắng nhìn nhận có tình trạng DN vì doanh thu, lợi nhuận mà bất chấp đăng quảng cáo sai lệch. Lực lượng chức năng ở TP.HCM có nhiều giải pháp đấu tranh, nhưng tình trạng này vẫn còn phức tạp và chưa phát hiện hết. Nguyên nhân chính do thẩm quyền làm việc với các nền tảng xuyên biên giới là Bộ TT-TT, các địa phương chưa chủ động hoàn toàn. Bên cạnh đó, luật Quảng cáo chưa quy định chi tiết về cấp phép quảng cáo trên MXH.
Ông Thắng cho biết UBND TP.HCM đã ban hành quy chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng nhưng việc phối hợp giữa các sở ngành, địa phương chưa nhịp nhàng, chỉ Sở Y tế và Q.3 là 2 đơn vị phối hợp rất tốt. Lý do một phần do các sở ngành, địa phương đều thiếu hụt nhân sự quản lý quảng cáo trên mạng và không có chuyên môn sâu.
Sắp hoàn thành đề án sắp xếp đơn vị hành chính
Tại kỳ họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, TP.HCM đạt được nhiều kết quả cơ bản. Các cơ chế như bố trí vốn cho chương trình giảm nghèo, chương trình kích cầu đầu tư, chi thu nhập tăng thêm, hoàn thiện đề án điện áp mái tại công sở, thể chế hóa hợp tác công - tư...
Về tổ chức bộ máy, TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số, tăng phó chủ tịch UBND cho TP.Thủ Đức và 3 huyện (Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn) và các phường, xã trên 50.000 dân. Sắp tới, TP.HCM tiếp tục hoàn thiện chính sách về nhà đầu tư chiến lược, tín chỉ carbon, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. TP.HCM cũng sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án theo cơ chế đặc thù.
Liên quan đề án sắp xếp đơn vị hành chính, ông Mãi cho biết cuối tháng 8.2024 sẽ cơ bản hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Nội vụ thẩm định, sau đó trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự kiến thông qua vào đầu tháng 10.2024. "Không chờ đến khi UBTVQH thông qua đề án mà ngay trong tháng 7.2024, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ thành lập ban chỉ đạo, triển khai trước kế hoạch sắp xếp theo hồ sơ", ông Mãi cho biết.
Kiến nghị thu hồi 7 khu đất công làm trường học
Trong phần chất vấn Chủ tịch UBND Q.Bình Tân tại kỳ họp, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu băn khoăn về thực trạng chỉ hơn 48% học sinh (HS) tiểu học của địa phương này được học 2 buổi/ngày, thấp thứ 2 toàn TP.HCM, đồng thời đề nghị lãnh đạo quận nêu giải pháp khắc phục.
Trả lời, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết địa phương có dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện còn thiếu khoảng 1.266 phòng học cho HS tiểu học và THCS. Trong giai đoạn 2020 - 2025, quận đầu tư 494 phòng học, còn lại thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030. Dự kiến đầu năm 2025, quận khởi công 2 trường tiểu học và THCS trên khu đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa với quy mô 71 phòng học.
Về nhà đất các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Nhựt cho biết trên địa bàn Q.Bình Tân có 59 địa chỉ nhà đất, rộng 100 ha đang bỏ trống, sử dụng không hiệu quả. Vừa qua, quận đề xuất sử dụng 7 khu đất làm trường học và các công trình công cộng. Các cơ quan chức năng đang điều chỉnh quy hoạch.