Căng thẳng, áp lực và đau xót
"30 năm qua, tôi đã chứng kiến không biết bao cảnh bố mẹ ôm con gào khóc trong vô vọng, hay những đứa trẻ đỏ hỏn bị bỏ rơi trước cửa khoa, những giây phút căng thẳng để giành lấy sự sống cho các bệnh nhi... Bây giờ nghĩ lại thật sự quá sức tưởng tượng", chị Yến nhớ lại.
Có những ngày đón bệnh nhân nặng liên tục, dọc cả một dãy khoa sơ sinh là khoảng 30-40 bé, bé thì bị tràn khí màng phổi, bé thì viêm phổi... Có những bé sinh non, chỉ tầm 7 tháng và đang trong tình trạng nguy kịch, nằm gọn trong vòng tay y bác sĩ để chuyển đi thở máy.
Các bé chỉ mấy ngày tuổi thiếp đi trong lồng ấp với đủ các thứ dây dợ chằng chịt, máy móc xung quanh, mọi người ai nhìn thấy cũng xót xa, nhất là bố mẹ của chúng. Họ thậm chí còn không được chạm vào con mình mà chỉ được nhìn qua lồng kính. "Những lúc như vậy, tôi hiểu sứ mệnh mình không chỉ là cứu một đứa trẻ, mà còn thắp lên những tia hy vọng của gia đình các bé", chị Yến xúc động.
Hôm ấy là ngày cuối cùng chị công tác tại bệnh viện, chị đứng bên giường bệnh quan sát những đứa trẻ lần cuối, ánh mắt rưng rưng, vừa thương vừa cảm phục vì chúng đang mạnh mẽ chiến đấu trước đau ốm, bệnh tật. Bàn tay bé xíu, đỏ hỏn nắm lấy ngón tay chị như muốn thay cho một lời nhắn nhủ rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi.
Nói về trường hợp bệnh nhi kém may mắn hơn, mới chỉ vài phút trước, tình trạng của bé còn ổn định, nhưng chỉ ngoảnh đi ngoảnh lại thì đột nhiên trở nặng, chị vẫn nhớ như in câu nói hoảng hốt của bác sĩ trực lúc đó: "Hương ơi, bệnh nhân giường số 8 đang sốc phản vệ, lấy cho chị một ống epinephrine nhanh".
Sau đó, mọi chuyện cũng có thể đoán được. Khoảng 5, 6 bác sĩ, điều dưỡng đứng vây quanh giường của bệnh nhi làm cấp cứu, "con ơi cố lên nhé, các cô đang làm hết sức để cứu con đây, nên con cũng đừng bỏ cuộc", và rồi đứa bé đó cũng không qua khỏi…
Mọi người chỉ biết đứng nhìn nhau thở dài bất lực, nén nỗi đau sau lớp khẩu trang. Đau lòng nhất là cảnh bố mẹ ôm con gào khóc, áp trái tim họ lên trái tim vừa ngừng đập dưới những dây kim tiêm loằng ngoằng trên người.
Dù biết rằng việc mỗi ngày có vài bé ra đi là điều không tránh khỏi, nhưng những cảnh ly biệt như vậy bao giờ cũng làm lòng con người ta cảm thấy có gì đó quặn thắt lại... "Nhất là đối với một người rất đặc biệt nhạy cảm như tôi", người điều dưỡng ngậm ngùi.
Cảm ơn... vì đã ở lại
"Đến giờ chị vẫn chưa hiểu tại sao mình lại có thể gắn bó với cái nghề này lâu đến vậy", chị cười. Nhiều lần chị cũng đã muốn buông bỏ do không chịu nổi cảnh bệnh nhân của mình ra đi, hơn nữa việc một tuần phải đi trực thức trắng 3 đêm khiến chị bị mất ngủ thường niên, phải phụ thuộc vào thuốc an thần. Không chỉ vậy, cơn đau nhức xương khớp kéo đến mỗi đêm nhiều lần khiến chị bật khóc vì đau đớn.
"Tôi cũng từng nghĩ chuyển sang một công việc nhàn hạ hơn đó chứ, nhưng lạ lắm, chắc là do duyên số hay sao mà tôi không thể rời bỏ được", chị hóm hỉnh.
Người điều dưỡng bỏ qua những lo lắng về bệnh tật, bỏ qua nỗi dằn vặt không cứu được bệnh nhân, chị tiếp tục cống hiến để mang lại tia hy vọng cho nhiều gia đình khác, mặc dù phải đánh đổi nhiều thứ. Nó thể hiện rõ ở
từng quầng thâm dưới mắt, từng vết chân chim, đôi bàn tay nhăn nhúm lại vì sử dụng nước sát khuẩn hằng ngày. Tuy nhiên, khi kể lại, chị nở một nụ cười mãn nguyện.
Có thời điểm khoa nhi tiếp nhận những đứa trẻ mới sinh được vài ngày bị bỏ rơi trước cổng bệnh viện, đang trong tình trạng suy hô hấp và được các y bác sĩ tiên lượng không qua khỏi. Thế mà qua từng ngày, sức khỏe của chúng lại cải thiện một cách đáng ngờ, da dẻ hồng hào trở lại, còn biết cười với các cô điều dưỡng. "Cảm giác trao tận tay những thiên thần ấy cho những ông bố bà mẹ hiếm muộn, thật sự vô cùng mãn nguyện", chị nói.
Chỉ khi chúng ta nhìn cách các y tá, điều dưỡng nâng niu bàn tay bé xíu của em bé đang huơ lên như tìm mẹ, cẩn trọng vỗ về cơ thể bé bỏng như muốn truyền hơi ấm cho chúng mới thấy hết tấm lòng của họ. Giờ đây, tấm lòng ấy không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của một bác sĩ, mà như cảm xúc từ trái tim của một người mẹ luôn đau đáu vì con.
Một cái "không nỡ" nữa khiến chị chọn ở lại nghề đó là tình cảm đáng trân quý của những đồng nghiệp dành cho nhau. Mỗi lần không cứu được bệnh nhân, họ buồn cùng nhau. Đằng sau chiếc khẩu trang, những giọt nước mắt rơi mặn chát. Mỗi lần có những chuyến đi xa, hay chỉ đơn giản là san sẻ miếng xôi, miếng cốm, họ vui cùng nhau. Cứ như vậy, mấy chục năm trôi qua, ngày hôm nay, chị Yến đã có thể nói lời cảm ơn tới những người gắn bó với mình.
Những đồng nghiệp của chị hay nói với nhau, khoa sơ sinh là nơi chỉ có ngày mà không có đêm, bởi ở nơi đó ánh đèn không bao giờ tắt và cũng là nơi các bác sĩ không phút nào thảnh thơi. Không thể đếm hết có bao nhiêu bữa ăn tạm bợ, bao đêm thức trắng, bao đêm xa gia đình với lịch trực dày đặc; thế nhưng, khi hỏi chị rằng chị có từng hối hận khi lựa chọn ở lại không, chị dõng dạc: "Không em ạ!".
Ngành y đem lại sự sống và hy vọng tích cực cho mọi người, người trong ngành coi đó là sứ mệnh. Cảm ơn chị Hải Yến - một người chiến binh áo trắng tuyệt vời vì đã cống hiến cho ngành y!
Sau khi ngắm nghía lại toàn cảnh nơi từng gắn bó rất lâu, nói lời chia tay cùng đồng nghiệp, chị bước đến phía cổng bệnh viện, hoàng hôn buông xuống, bóng chị dần xa...