Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đầu nhiệm kỳ, TP.HCM đặt mục tiêu di dời 6.500 nhà ven kênh rạch, nhưng dự kiến đến cuối nhiệm kỳ thực hiện được hơn 4.000 căn. UBND TP.HCM đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho việc này, dự kiến tháng 7.2024 sẽ hoàn thành đề án. Tính chung toàn TP.HCM có trên 22.000 căn nhà ven kênh rạch, tập trung ở 13 quận, huyện. Nếu trừ đi số lượng được di dời của nhiệm kỳ này, TP.HCM còn hơn 16.000 căn phải thực hiện trong các nhiệm kỳ tới.
Thực tế việc di dời nhà ven kênh rạch gặp khó nhiều năm qua vì đa số nhà của người dân đều lấn chiếm kênh rạch, giấy tờ không đầy đủ nên giá trị bồi thường rất thấp. Ông Mãi cho biết muốn di dời 16.000 căn nhà trên kênh rạch thì TP.HCM cũng phải bỏ ra mười mấy ngàn tỉ đồng từ ngân sách để chỉnh trang đô thị, cải thiện đời sống người dân. Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh chỉ có áp dụng cơ chế nhà ở xã hội theo Chỉ thị 34 của Ban Bí thư thì mới thực hiện được chứ để người dân mua nhà mới từ tiền đền bù thì "muôn đời không mua được".
Tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 31 mới đây, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết sau đại dịch Covid-19, TP.HCM đã quyết tâm thực hiện chiến lược về nhà ở xã hội nhưng đến giờ này vẫn chưa thực hiện được. Ông cũng chia sẻ trước những bất tiện trong sinh hoạt của người dân tại các khu dân cư chật chội trong khu vực trung tâm TP.HCM. Ông Nên cho rằng cần phải có giải pháp đặc biệt để giải quyết dứt điểm, không để người dân phải chịu đựng thêm nữa. Trước mắt, các sở ngành phải khảo sát, nắm kỹ và đề xuất biện pháp mang tính đột phá để trình cấp thẩm quyền xem xét.
Ở khu vực ngoại thành, nhiều quy hoạch bị treo hàng chục năm cũng đang được địa phương tìm hướng tháo gỡ, mà căn cơ nhất vẫn là thay đổi tư duy trong quy hoạch. Lãnh đạo UBND H.Bình Chánh, nói khu làng đại học Hưng Long có quy mô hơn 500 ha được quy hoạch nhiều năm, nhưng không kêu gọi được nhà đầu tư nào tham gia. Trong quy hoạch chung lần này, huyện đề xuất phát triển theo mô hình khu phức hợp gồm trường đại học, viện nghiên cứu, khu đô thị, nhà ở, thương mại, dịch vụ, giải trí, y tế, thể thao để tăng tính hấp dẫn khi mời gọi đầu tư.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng trước
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đánh giá: "Việc quy hoạch các khu đô thị vệ tinh là đúng bởi TP.HCM chỉ có thể phát triển bền vững trên cơ sở quy hoạch, tính toán đầy đủ tất cả kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Thành phố không thể phát triển theo cảm tính".
KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh đô thị vệ tinh không phải chỉ xây dựng các dự án nhà cửa mà phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giống như khu trung tâm TP.HCM. Như khu đô thị Nam Sài Gòn (Q.7) hiện nay đã có dáng dấp của một đô thị vệ tinh nhưng chưa đầy đủ, còn thiếu công trình tôn giáo, trường học công lập cho đa số người dân. Vị KTS này cho rằng trong 5 thành phố được định hướng sau năm 2030, TP.HCM nên tập trung cho TP.Thủ Đức trước vì đây là khu vực có nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát triển như kỳ vọng. Mặt khác, TP.Thủ Đức cũng đã có pháp lý tương đối đầy đủ, và được trao thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.
Đối với các huyện ngoại thành, KTS Sơn khuyến nghị cần xây dựng hạ tầng cho thật tốt, khi đủ điều kiện thì nâng cấp lên thành phố vệ tinh chứ không vội vàng, áp đặt theo kiểu duy ý chí. Nếu chưa có hạ tầng mà đã nâng lên thì sẽ tự làm khó mình, vì khi đó giá đất tăng lên, nhà nước phải bỏ nhiều ngân sách để thu hồi đất.
Về câu hỏi tiền đâu để xây dựng thành phố vệ tinh, ông Lê Hoàng Châu phân tích khi quy hoạch được phê duyệt thì phải có kế hoạch, phân kỳ đầu tư theo nguồn lực và từng thời kỳ, không thể ảo tưởng làm tất cả cùng lúc và có quy hoạch là sẽ có đô thị vệ tinh. Trong các thành phố vệ tinh, TP.HCM cần xác định khu vực ưu tiên làm trước, khu vực có tính khả thi kêu gọi được nhà đầu tư. Và khi mặt bằng kinh tế TP.HCM tăng trưởng tốt thì tự nhà đầu tư tìm đến.
Ông Châu cho rằng TP.HCM cần linh hoạt đa dạng mời gọi đầu tư theo nhiều phương thức như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, cho doanh nghiệp thỏa thuận quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án theo phương thức đối tác công tư...
Đưa bán đảo Bình Quới - Thanh Đa trở thành "hòn ngọc"
UBND TP.HCM vừa phê duyệt nhiệm vụ đề bài thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Để phát huy hết giá trị thế mạnh của bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, hiện thực hóa ước mơ biến khu vực này trở thành "hòn ngọc" của TP.HCM vào cuộc sống cần trải qua quá trình quy hoạch và thực thi lâu dài bền bỉ. Trên cơ sở kết quả cuộc thi, TP.HCM sẽ xem xét, chọn lựa các nội dung quan trọng để đưa vào các đồ án quy hoạch làm cơ sở phê duyệt đề án đầu tư xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa và các khu vực kế cận như: khu đô thị Trường Thọ, TP.Thủ Đức và các khu vực dọc sông Sài Gòn…