TP.HCM hoạch định chiến lược đô thị đến năm 2060

00:00 - 28/08/2023

Sáng 26.8, lãnh đạo TP.HCM khảo sát thực tế bằng trực thăng để có thêm góc nhìn tổng thể, phục vụ công tác lập quy hoạch phát triển đô thị.

QUY HOẠCH CHO HÀNG CHỤC NĂM TỚI

Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, 2 trực thăng chở 2 đoàn gồm Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và một số sở ngành, chuyên gia kinh tế, quy hoạch… đi khảo sát thực tế. Mục tiêu nhằm phục vụ cho việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Cả 2 bản quy hoạch này đều được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ và sẽ định hình lại không gian phát triển của TP.HCM trong 30 – 40 năm tới.

TP.HCM hoạch định chiến lược đô thị đến năm 2060

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khảo sát không gian đô thị bằng trực thăng

Đoàn công tác khảo sát hàng loạt khu vực đã phát triển như các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở TP.Thủ Đức hay khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Nhưng điểm nhấn vẫn là những khu vực chưa phát triển, đất đai còn trống nhiều như các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ hay khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (Q.Bình Thạnh). Ngoài các trục giao thông huyết mạch của TP.HCM như QL1, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh thì đoàn cũng khảo sát các khu vực dự kiến làm Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Lãnh đạo TP.HCM cũng có thêm góc nhìn từ trên cao xuống bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn), Đa Phước (H.Bình Chánh) rộng hàng trăm héc ta để thấy được tính cấp thiết của việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, phần lớn rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ hiện đại. Những bãi rác theo hình thức chôn lấp sẽ được tính toán cải tạo, xử lý để vừa bảo vệ môi trường, vừa có thêm không gian phát triển.

Trong chuyến khảo sát, lãnh đạo TP.HCM đặc biệt quan tâm đến phát triển sông Sài Gòn và biển Cần Giờ như những động lực phát triển mới. Phát triển kinh tế ven sông – hướng biển là một trong 4 nội dung chính của nhiệm vụ lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ba nội dung quan trọng còn lại là phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp quy mô của một đô thị trên 10 triệu dân và tổ chức các thành phố trực thuộc TP.HCM; quy hoạch Cần Giờ xanh như một đô thị sinh thái ven biển.

TP.HCM hoạch định chiến lược đô thị đến năm 2060

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với lãnh đạo Sở QH-KT về công tác lập quy hoạch

ĐẤT ĐAI BỎ TRỐNG CÒN NHIỀU

Sau chuyến khảo sát, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá dư địa sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng. Đất trống ở Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi còn rất nhiều, chưa được khai thác hiệu quả. Dân cư ở những địa phương này sinh sống rải rác, riêng lẻ, chưa được quy hoạch, sắp xếp bài bản. Ông Nguyễn Văn Nên cho biết chuyến khảo sát giúp các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá tổng thể để lập một bản quy hoạch chất lượng, bài bản nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất đai.

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG LỚN TRONG QUY HOẠCH

TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành hệ thống các tuyến đường sắt đô thị trước năm 2035 bằng các hình thức huy động vốn khác nhau, kể cả phát hành trái phiếu thương mại quốc tế nhằm bổ sung cho nguồn vốn ODA, đồng thời sẽ chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ lập quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị nối kết các đô thị trong vùng đô thị TP.HCM.

Liên quan đến mô hình chính quyền đô thị phù hợp với thành phố trên 10 triệu dân, UBND TP.HCM nhận định Nghị quyết số 98/2023 có ý nghĩa rất quan trọng nhưng đây mới chỉ là giai đoạn thí điểm về mô hình phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương và một số chính sách đặc thù cho thành phố. Vì vậy, TP.HCM cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí; gắn với việc tổ chức các đô thị trực thuộc trong quá trình đô thị hóa 5 huyện ngoại thành.

UBND TP.HCM cho rằng cần nghiên cứu tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền từ T.Ư cho TP.HCM và từ TP.HCM cho TP.Thủ Đức và các đô thị trực thuộc khác theo 3 nguyên tắc: vấn đề gì cấp dưới gần dân hơn, làm tốt hơn nên phân cấp phân quyền, bố trí nguồn lực cho cấp dưới làm; giảm tối thiểu cơ chế xin – cho; cấp trên chỉ nên ban hành chính sách, kiểm tra, thanh tra công vụ, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật.

Về định hướng phát triển kinh tế ven sông – hướng biển, UBND TP.HCM nhìn nhận đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển. Đặc biệt, sự kết nối giữa kinh tế biển và chuỗi đô thị biển thông qua liên kết vùng sẽ thúc đẩy sự hình thành các cực kinh tế mũi nhọn cho TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước trong xu hướng “tiến ra biển” để phát triển lãnh thổ và bảo đảm an ninh quốc phòng. Song song đó, TP.HCM cần tiếp tục di dời hệ thống cảng trong khu vực nội thành nhằm tạo không gian phát triển và khai thác kinh tế ven sông Sài Gòn.

Đối với quy hoạch Cần Giờ xanh như một đô thị sinh thái ven biển, UBND TP.HCM nhìn nhận việc quy hoạch không gian kinh tế biển, liên kết các đô thị biển, xây dựng đô thị lấn biển Cần Giờ và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cần sớm được hoàn thành, đồng thời cần đặt Cần Giờ với chức năng lá phổi xanh của thành phố với rừng sinh quyển ngập mặn.

Trao đổi với báo chí sau khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông Phan Văn Mãi cho biết chuyến bay khảo sát sẽ là tư liệu rất quan trọng giúp TP.HCM trong việc xây dựng quy hoạch cho sát hơn, đặc biệt là trong bối cảnh liên kết vùng và phát huy trục sông Sài Gòn và hành lang ven biển. “Chúng tôi sẽ ngồi lại với tư vấn để xác định các định hướng cũng như lựa chọn những không gian phát triển phù hợp với thành phố trong liên kết vùng”, ông Mãi nói.

Về phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD), Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, TP đã tiến hành rà soát các không gian dọc theo tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. “Qua buổi khảo sát, chúng tôi rà soát thấy có nhiều không gian có thể phát triển TOD. Và đây cũng là những trung tâm các đô thị vệ tinh của TP.HCM trong tương lai. Đây là tiềm năng rất lớn để khai thác quỹ đất, vừa cấu trúc lại mô hình đô thị đa trung tâm của thành phố”, ông Mãi chia sẻ thêm.

Chủ tịch UBND TP cũng đánh giá việc phân bổ, bố trí sử dụng đất còn nhiều bất cập, kém hiệu quả, tồn tại nhiều khu dân cư kiểu “da beo” đan xen. Điều này đặt ra cho TP.HCM trong quy hoạch sắp tới phải cấu trúc lại khu sản xuất, khu dân cư để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất. Riêng với việc phát triển Cần Giờ, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh phải tôn trọng, bảo vệ tuyệt đối khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và nghiên cứu phát triển thêm không gian xanh cho đô thị. 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...