Về chỉ tiêu, tăng từ 5 cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP-EU, GMP-PIC/S, TGA lên 7 cơ sở vào năm 2025 và tăng hơn 10 cơ sở vào năm 2030, hơn 30 cơ sở vào năm 2045. Tăng số lượng thuốc công nghệ cao, gồm: thuốc công nghệ sinh học, thuốc điều trị ung thư, các chế phẩm từ huyết tương...; ứng dụng công nghệ nano trong bào chế các hệ phân tán thuốc… từ 5 sản phẩm (hiện nay) lên 8 vào năm 2025, 10 sản phẩm vào năm 2030 và 25 sản phẩm vào năm 2045.
Quá nhiều lợi thế
TP.HCM hiện có 43 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP-WHO, phân bổ chủ yếu tại các khu chế xuất, KCN và khu công nghệ cao, chủ yếu sản xuất các thuốc generic cung cấp cho thị trường trong nước và một phần xuất khẩu. Trong số này có 3 nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP, 1 nhà máy đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP. Ngoài ra, còn có 2 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP về sản xuất bao bì ngành dược.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số các số đăng ký thuốc còn hiệu lực của các nhà máy trên địa bàn TP.HCM là 2.529, chiếm khoảng 10% tổng số đăng ký còn hiệu lực của cả nước.
Đặc biệt, TP.HCM còn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực dược lớn nhất cả nước với nhiều trường đại học. Tổng số nhân lực dược công tác tại các đơn vị hành chính sự nghiệp khoảng 3.000 người.
Tại các cơ sở sản xuất, hiện có tổng cộng 4.223 nhân lực (24 nhà máy được khảo sát); trong đó nhân sự trình độ từ đại học trở lên chiếm khoảng 28%, trình độ dược sĩ trung học - cao đẳng chiếm khoảng 26%.
Cùng với đó, số lượng công ty phân phối rộng khắp tại TP.HCM giúp cho việc phân phối sản phẩm dễ dàng hơn. Và TP.HCM cũng có lợi thế về thị trường đầu ra với 132 bệnh viện (BV) và trung tâm y tế có giường bệnh; 1.202 doanh nghiệp (DN) bán buôn và 6.529 nhà thuốc cũng như đầu mối để xuất khẩu.
Ngành hóa dược (sản xuất thuốc và dược liệu) là ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và là một trong những ngành mà TP.HCM có tính cạnh tranh cao do có lợi thế về nguồn nhân lực, trình độ lao động, công nghệ và vốn đầu tư của DN. Trong 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19 vừa qua, ngành công nghiệp dược thể hiện vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất thuốc điều trị cho người dân và có tốc độ tăng trưởng khá cao (năm 2019 tăng 13%, năm 2020 tăng 7,2%).
Còn nhiều hạn chế
Theo nhìn nhận của Sở Y tế, ngành dược TP.HCM cũng còn nhiều nhược điểm chung như của ngành công nghiệp dược trong nước.
Theo đó, các nhà máy dược phẩm trên địa bàn đa số sản xuất các mặt hàng generic thông thường mang tính trùng lắp, nhiều nhà máy sản xuất cùng một loại hoạt chất. Nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu, đa số từ Ấn Độ và Trung Quốc. Hầu hết nhà máy chưa phát huy hết công suất, nhất là các nhà máy của DN có vốn nhà nước.
Trong đấu thầu thuốc vào BV, do giá thành sản phẩm sản xuất tại TP.HCM thường cao nên các sản phẩm này không có lợi thế trong đấu thầu. Do đó, so với mặt bằng chung cả nước, các công ty dược TP.HCM chưa chiếm tỷ trọng cao trong danh mục thuốc sử dụng tại BV. Mặt khác, tình hình cấp số đăng ký tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) còn chậm (trung bình 1 - 2 năm mới có số đăng ký kể từ khi nộp hồ sơ), chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc của DN.
Các nhà máy sản xuất đang nằm rải rác khắp các KCN và khu dân cư trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, do chênh lệch giá đất và thiếu chính sách khuyến khích, một số công ty dược đã chuyển nhà máy và kho vận sang các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An mặc dù vẫn giữ trụ sở tại TP.HCM và xác định TP.HCM là thị trường trọng điểm.
Theo thống kê của cơ quan quản lý chi phí BHYT, năm 2020, giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng trên địa bàn TP.HCM đạt gần 2.212 tỉ đồng, chỉ chiếm hơn 20% chi phí sử dụng thuốc và giá trị này dự kiến tăng khoảng 7 - 10%/năm. Đối với thuốc ung thư, chủ yếu sử dụng thuốc nhập khẩu, thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm 2%.
Theo khảo sát nhu cầu về thuốc của 19 BV trên địa bàn TP.HCM, tỷ lệ sử dụng thuốc nội địa dao động từ 61 - 80%. Trong giai đoạn 2018 - 2021, tỷ lệ biệt dược gốc được sử dụng tại các BV có xu hướng giảm.