Theo công văn, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng hiện nay tình trạng săn bắt các loài chim hoang dã ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ngoài việc bắt chim trời bán cho các nhà hàng hoặc nuôi làm cảnh, thì việc săn bắt phục vụ cho hoạt động phóng sinh theo tín ngưỡng Phật giáo ngày càng phổ biến. Hoạt động này sẽ làm tận diệt các loài, ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên; đồng thời là hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học…
Để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt hành vi trên, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề nghị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh này tích cực tuyên truyền trực tiếp hoặc bằng tờ rơi, băng rôn… đến Phật tử để thay đổi nhận thức về phóng sinh; tuyệt đối không mua các cá thể chim để phóng sinh, vì đây là hành động vô tình tiếp tay cho các hành vi săn bẫy chim hoang dã trái phép. Ngoài ra, đơn vị này còn yêu cầu tuyệt đối không cho phép người dân vào khuôn viên chùa để mua bán chim phóng sinh.
Phóng sinh hay sát sinh?
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay ý nghĩa của việc phóng sinh đang bị hiểu sai, dẫn đến nhiều người xuất phát từ tấm lòng nhưng vô tình trở thành nguyên nhân khiến tình trạng săn bắt chim, cá bất chấp để phục vụ cho hoạt động này ngày càng nhiều.
“Không ai trách người có lòng, nhưng cái tâm tốt cần phải đi đôi với hành động văn minh, đúng đắn”, bạn đọc (BĐ) Thu Vân thẳng thắn. “Có người phóng sinh thì sẽ có người bẫy chim, cá đem bán cho người phóng sinh, nó là vòng luẩn quẩn không có điểm dừng. Tốt nhất là bỏ cái tục phóng sinh này đi, nó đã quá lạc hậu, không còn phù hợp”, BĐ này ý kiến thêm.
Cùng quan điểm, BĐ Vo Loc cho rằng: “Tôi nghĩ nên dẹp luôn cái tục phóng sinh này đi, bắt bớ chim muông các loài nhốt lại rồi đem bán lấy tiền gọi là phóng sinh, mà phóng sinh xong cũng bị mấy người này bắt lại thì phóng làm gì? Để muôn loài sống tự nhiên không tốt hay sao mà phải bắt nhốt rồi lại đi thả để tỏ ra mình là người tốt?”.
BĐ Pham Dung viết: “Đang yên đang lành, chim chóc sinh sống tự nhiên thì đổ xô đi bắt đi bẫy về bỏ lồng bán để người mua đi thả. Phóng sinh hay là sát sinh? Phúc đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy tội lỗi”. “Tưởng rằng làm vậy là thực hiện các việc tốt, tuy nhiên hành vi này là tiếp tay cho cái ác. Hoàn toàn lệch lạc, đi ngược lại giáo lý nhà Phật. Cần chấm dứt ngay lập tức”, BĐ Hoa Nguyen đề nghị.
Thay đổi tư duy tín ngưỡng không còn phù hợp
Không chỉ ủng hộ Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế về vấn đề này, BĐ Thanh Niên cũng đề nghị các chùa cần có biện pháp tuyên truyền để Phật tử hiểu đúng hơn về ý nghĩa của việc phóng sinh, tránh trường hợp vô tình sát sinh những loài động vật nhỏ bé. “Rất ủng hộ văn bản này của Sở NN-PTNT Thừa Thiên-Huế và cũng rất mong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tích cực tuyên truyền đến Giáo hội Phật giáo các địa phương trong cả nước cùng hợp tác để thay đổi tư duy tín ngưỡng này đến Phật tử”, BĐ Lộc Huỳnh ý kiến.
BĐ Lê Mạnh góp ý: “Lòng từ bi nhưng nếu đi kèm với sự thiếu hiểu biết đôi lúc lại biến phóng sinh trở thành sát sinh. Mong rằng các chùa có những biện pháp tuyên truyền, giúp người dân, Phật tử hiểu đúng, hành động đúng về việc phóng sinh. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể hạn chế các hành vi phản cảm, phá hoại môi trường của một số người”.
“Không có cầu sẽ không có cung. Không có những trường hợp hiểu sai về ý nghĩa của việc phóng sinh thì mới không còn nạn bắt chim hoang dã phục vụ cho việc kinh doanh. Tôi cho rằng nhà chùa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giúp người dân, Phật tử hiểu đúng và làm đúng”, BĐ Nguyễn Minh ý kiến.
* Ngoài nghiêm cấm đánh bắt chim hoang dã, phát hiện thì xử lý nghiêm, các sư, Phật tử của các chùa nên tăng cường tuyên truyền nhằm sớm chấm dứt chuyện này.
Tuấn Vũ
* Thay vì đi mua chim từ những người bẫy rồi phóng sinh thì tại sao chúng ta không dùng số tiền đó góp vào các quỹ bảo tồn động vật quý hiếm. Một hành động thiết thực và sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người.
Hoàng Thức