Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, từ sáng 18.9, trên địa bàn TP.Đà Nẵng có mưa lớn kéo dài. Từ sáng đến trưa cùng ngày (19.8), TP.Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
Mưa lớn kéo dài, nguy cơ xảy ra ngập úng trên các tuyến đường và khu vực thấp trũng, đặc biệt là các phường có nguy cơ cao như: Nại Hiên Đông, Mân Thái, An Hải Bắc, Phước Mỹ, An Hải Đông (Q.Sơn Trà); Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây Hòa Khê, An Khê, Tam Thuận, Chính Gián, Thạc Gián, Vĩnh Trung, Tân Chính (Q.Thanh Khê); Thuận Phước, Hải Châu 1, Hải Châu 2, Phước Ninh, Bình Hiên, Nam Dương, Thanh Bình, Thạch Thang, Hòa Cường Nam (Q.Hải Châu); Hòa Phát, Hòa An, Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ).
Tình trạng ngập xảy ra tại các khu vực, tuyến đường thấp trũng gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện, làm hư hỏng đến các công trình, tài sản của người dân, các hoạt động kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở trên sườn dốc. Nguy cơ cao tác động đến khu dân cư, các cơ sở hạ tầng ở những vùng có độ dốc lớn, sông suối hẹp.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ có thể xảy ra; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 trên địa bàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) thành phố chủ trì, phối hợp Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm.
Công an TP.Đà Nẵng phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang và UBND các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện các giải pháp, biện pháp, bố trí lực lượng thường trực phòng cháy chữa cháy khi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang, không để xảy ra cháy nổ; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ gia cố, chằng chống các cây xanh, đồng thời chặt tỉa cành nhánh các cây cao nhằm hạn chế ngã đổ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước, xử lý tại hố thu nước.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố.
Bệnh nhân lội nước đi khám bệnh
Ghi nhận của PV lúc 7 giờ ngày 18.9, tại trung tâm TP.Đà Nẵng, các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Núi Thành, Phan Thanh, Nguyễn Tri Phương, Hàm Nghi, Quang Trung… nhiều đoạn nước ngập sâu. Giờ cao điểm, các phương tiện chết máy, người dân lưu thông gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, trên đường Quang Trung đoạn trước Bệnh viện Đà Nẵng, nhiều vị trí nước ngập quá nửa bánh xe.
Đưa người thân đi khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, anh Lực Huỳnh (trú H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), cho biết mưa lớn kéo dài liên tục khiến việc di chuyển của anh và người thân từ nhà đến Bệnh viện Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn.
Ông Cao Thanh Toàn (trú Q.Hải Châu) có con học tại Trường THCS Nguyễn Huệ (đường Quang Trung) lội nước bì bõm đưa con nhỏ tới lớp học.
"Dự báo mưa lớn là gia đình biết sẽ gặp rất nhiều vất vả khi đưa con đến trường đúng giờ. Vì trước cổng trường luôn bị ngập khi có mưa. Đã có nhiều phụ huynh xe bị chết máy, vất vả lắm…", ông Toàn nói.
Sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn
Sáng cùng ngày (18.9), Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị tiếp tục duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn phòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn, chú ý các phương tiện ở khu vực bắc Biển Đông - Hoàng Sa; vùng biển Huế - Đà Nẵng...
Triển khai thực hiện nghiêm túc các công văn, chỉ đạo của Trung ương, UBND TP.Đà Nẵng… khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh; hoàn thành công tác nạo vét, khơi thông cống rãnh theo phạm vi địa bàn quản lý. Duy trì triển khai các hoạt động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (bão số 4), mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất…; sẵn sàng các hoạt động sơ tán nhân dân, nhất là tại các khu vực nguy hiểm, ngập sâu theo phương án đã được phê duyệt.
Đồng thời tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá,… không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm. Nghiêm cấm người dân, phương tiện đi lại tại các khu vực ven sông, suối, hồ đập và các khu vực ngập lụt để đánh bắt thủy sản,… Tăng cường thông tin, truyền thông ứng phó áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau thiên tai. Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường tổ chức đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tại các khu neo đậu, trú tránh. Báo cáo, cập nhật thường xuyên số liệu cụ thể về tình hình thiên tai và công tác ứng phó.
Trước đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (bão số 4) chính quyền Đà Nẵng đã khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm. Cụ thể, theo thống kê đến chiều qua (17.9), số lượng tàu thuyền của thành phố đang neo đậu tại các bến là 1.091 phương tiện với 7.801 lao động; tuy nhiên vẫn còn 68 tàu thuyền với 515 lao động đang hoạt động trên biển.
Bộ Chỉ huy BĐBP TP.Đà Nẵng cho biết các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới; các đơn vị, đài trực canh của BĐBP thành phố đang duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn.
Tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, hiện có 565 tàu neo đậu, cụ thể có 348 tàu của Đà Nẵng và 217 tàu của các địa phương khác.