2 bộ xương cá Ông nói trên được phục dựng, bảo tồn tại di tích Lăng Tân (thôn Đông An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn). Đây cũng là lăng cổ được xây dựng năm Minh Mạng thứ 13 (năm 1832). Năm 1901, lăng này được xây dựng lại nhưng do biển xâm thực nên người dân dời vào trong và xây lại một lần nữa vào năm 2002. Lăng Tân được xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 20.5.2015.
Người dân Lý Sơn cho biết, khi cá Ông lớn (bộ xương lớn) lụy vào bờ, thân hình còn nguyên vẹn, nặng khoảng 55 tấn. Khi làm lễ và đào huyệt chôn cất, người dân không thể di chuyển được cá Ông, sau đó có cơn sóng lớn mới đưa thân cá vào được.
Sau 10 năm chôn cất, dân đảo Lý Sơn tổ chức "lễ thượng ngọc cốt", nghinh bộ xương cá Ông vào Lăng Tân để thờ. Tuy nhiên, do thời gian, bộ xương cá Ông thứ nhất (gọi là Đồng Đình đại vương) ban đầu dài 30 m chỉ còn 22 m; còn bộ xương cá Ông thứ hai nhỏ hơn (gọi là Đức Ngư nhị vị tôn thần), từ 25 m còn 18 m.
Cả 2 bộ xương hiện cao gần 4 m, mỗi bộ xương có 50 đốt sống (đường kính đốt sống hơn 40 cm), 28 xương sườn (mỗi xương sườn dài gần 10 m), xương đầu dài 4 m và xương ngà dài 4,7 m.
Năm 2022, 2 bộ xương cá Ông ở Lăng Tân đã được phục dựng hoàn chỉnh với hình dáng cá đang bơi, uốn lượn, đẩy mình ra phía trước. Hai bộ xương cá Ông này được các nhà nghiên cứu cho là có niên đại trên 200 năm.