Dự thảo dự kiến chỉnh lý theo hướng rà soát, sắp xếp lại các nội dung theo quy trình thống nhất, từ trường hợp đặt vào can thiệp sớm/kiểm soát đặc biệt đến các biện pháp yêu cầu, hạn chế đối với tổ chức tín dụng, các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm/kiểm soát đặc biệt và các phương án xử lý.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp đặc biệt như xử lý ngân hàng thương mại có lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ và các quỹ dự trữ hoặc xử lý tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, dự thảo luật đã phân tách các biện pháp thích hợp.
Dự thảo luật bổ sung quy định về đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật và chỉ định người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.
Đối với các phương án xử lý, dự thảo dự kiến chỉnh lý theo hướng bỏ phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt. Đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm sẽ thực hiện phương án khắc phục hoặc giải thể, đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sẽ thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc hoặc giải thể, phá sản.
Về khoản vay đặc biệt, dự thảo dự kiến chỉnh lý theo hướng bỏ trường hợp cho vay đặc biệt “để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả, hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống”.
Thu hẹp và làm rõ các trường hợp được vay đặc biệt, theo đó chỉ gồm: để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt; vay đặc biệt bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bị mất khả năng chi trả; để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, đây là nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng và sử dụng nhiều nguồn lực của tổ chức tín dụng cũng như gián tiếp từ nhà nước. Do đó, cần tiếp tục xin ý kiến các đại biểu.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, cho biết vừa qua có trường hợp khách hàng rút tiền hàng loạt ở một ngân hàng. “Luật cho vay đặc biệt nhưng không quy định có tài sản đảm bảo hay không đảm bảo. Khi ngân hàng yếu kém, bắt họ có tài sản đảm bảo để chi trả cho người dân thì không thể thực hiện được”, bà Hồng nói.
Cũng theo bà Hồng, trước hết là cổ đông, phải có trách nhiệm việc này, sau đó là các giải pháp. Sự cố rút tiền hàng loạt, luật cũ chưa có quy định, mới chỉ là khi tổ chức tín dụng yếu kém thì kiểm soát đặc biệt, phải chờ xây dựng phương án thì lúc đó mới “cứu hay không cứu”, như vậy là không có sự lựa chọn.