Đến 16 giờ ngày 5.9, khoảng 4.000 Siêu bão số 3 đổ bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã về nơi tránh trú an toàn. Tại H.Vân Đồn, đến 15 giờ ngày 5.9, địa phương này đã di dời 300 người lên bờ, gần 500 phương tiện vận chuyển khách đã tránh trú tại nơi an toàn.
Trên các tuyến đảo có 1.000 khách đang lưu trú, các địa phương đã đưa khách về đất liền trong chiều 5.9. Khách muốn ở lại đảo được hỗ trợ chu đáo. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ ra thông báo cấm biển khi cần thiết. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực ứng phó với tình huống nguy hiểm trên khai trường và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.
Hải Phòng sơ tán người dân
Tại H.Cát Hải (Hải Phòng), 750 tàu thuyền với 1.905 lao động đã vào nơi tránh trú. UBND huyện đã vận động 100% nhân dân trên các bè nuôi thủy sản sơ tán về nhà trước 12 giờ ngày 6.9.
Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, lực lượng chức năng hỗ trợ ngư dân đưa các phương tiện vào âu tàu, đưa các phương tiện nhỏ lên bờ. Đến thời điểm hiện tại, không còn phương tiện thủy nào hoạt động trên biển. Tại Q.Đồ Sơn, đến chiều 5.9, không còn phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản hoạt động trên biển, tất cả đã trở về nơi neo đậu an toàn.
Ninh Bình bơm nước vào ao, hồ để ứng phó nước biển dâng
Tại Ninh Bình, UBND H.Kim Sơn cho biết huyện có 2 điểm xung yếu có thể bị ảnh hưởng khi bão đổ bộ, trong đó có đoạn đê Bình Minh 3 dài khoảng 600 m thuộc xã Kim Hải có nguy cơ sạt lở. Địa phương đã huy động nhân lực sẵn sàng ứng phó. Điểm thứ hai là đoạn đê Bình Minh 4 nối đất liền với Cồn Nổi (H.Kim Sơn), đã được gia cố để nâng cao mặt đê. Huyện cũng cho bơm nước vào các ao, hồ nuôi trồng thủy sản phía trong đê để hạn chế tác động của sóng biển khi bão đổ bộ.
UBND H.Kim Sơn đã cấm biển từ 15 giờ ngày 5.9. Từ 15 giờ ngày 6.9, dừng toàn bộ các đò ngang, toàn bộ tàu thuyền, người dân ở ngoài đê Bình Minh 3 trở ra phải vào bờ.
Tại Thanh Hóa, 6 đơn vị cấp huyện ven biển của tỉnh này đã chuẩn bị vật tư, nhân lực sẵn sàng ứng cứu các điểm xung yếu. Tại H.Hoằng Hóa, 3 vị trí bờ biển bị sạt lở ở các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh và Hoằng Phụ được gia cố hoặc chuẩn bị sẵn đất, đá để ngăn sạt lở khi có sóng lớn và nước biển dâng.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của PV Thanh Niên chiều 5.9, khu neo đậu tàu thuyền - tránh trú bão Lạch Hới (P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) mới có khoảng gần 100 tàu thuyền neo đậu tránh bão, dù khu vực này chứa được hơn 300 tàu thuyền. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác ứng phó với bão số 3...