Tất nhiên, tiếp theo là các cô chú công nhân vệ sinh vật lộn cả đêm để dọn sạch số rác khổng lồ đó trên phố, để trả lại sự sạch sẽ của ngày sau đó.
Những dịp lễ quan trọng như Quốc khánh cũng là thời gian để mỗi người trẻ suy nghĩ về vai trò của mình trong đô thị khổng lồ mà mình sống cùng với hàng triệu người khác.
Với Thanh Hà, 2 năm qua là thời gian Hà được gặp những cô bác ở các cụm chung cư, những ba mẹ trẻ ở các khu phố tình nguyện cuối tuần là cùng nhau đi dọn sạch khuôn viên gần nhà, trồng thêm cây xanh trên ban công, ngoài hẻm phố. Những việc làm hàng ngày của họ định nghĩa về TP.HCM xinh đẹp này, nơi mỗi người dân góp một tay để tạo thành đô thị đáng sống, là mái nhà để về, là nơi mình thương yêu những người thân của mình.
Với định nghĩa đó, Thanh Hà thường tự hỏi vậy mình có xả rác vào nhà mình không? Mình có ném túi đựng cá viên chiên vào phòng ngủ không? Mình có uống trà sữa xong rồi quẳng xuống ban công không? Chúng ta đều không làm như vậy, bởi nhà là nơi mình mong muốn sạch sẽ, gọn gàng, và làm những người mình yêu quý hạnh phúc trong không gian sống đó.
Thanh Hà nghĩ về thành phố tương tự như nghĩ về mái nhà của mình. Nơi công viên 30.4 với hàng cây cổ thụ và bãi cỏ xanh là nơi mình và bạn bè lui tới vui chơi. Công viên Lê Văn Tám là nơi các anh chị chạy bộ, tập thể dục, bờ kênh là nơi ông bà mình, hàng xóm mình đi dạo, tắm nắng, tập thể dục. Mình không muốn vứt đầy những túi rác, thức ăn thừa, ống hút, ly trà ra đó. Mình không muốn ông bà, cha mẹ, hàng xóm của mình ngột ngạt bực mình vì những chiếc túi nhựa dây dưa chằng chịt hoặc bay loạn xạ trên đường.
Trong cuộc phát động xây dựng đô thị văn minh, Thanh Hà luôn ghi nhớ rằng mọi thay đổi bắt đầu từ hành động nhỏ, mọi quan tâm lớn bắt đầu từ sự mến thương những điều hằng ngày. Gương mặt đô thị văn minh chỉ có thể có được khi mỗi người dân đều thương thành phố thêm một chút vì nơi đó có tổ ấm hoặc căn phòng của mình ở.
Mỗi khi đội tuyển bóng đá Nhật Bản thi đấu ở đâu, nhóm fan hâm mộ Nhật đều làm thế giới sửng sốt vì họ đứng dậy ra về và cầm theo rác của chính họ, dọn sạch chỗ ngồi kế bên và rời khỏi sân với niềm vui trọn vẹn. Để tạo dựng sự tự hào lớn lao đó, hành động của họ chỉ là… giữ sạch nơi họ đến ngồi xem thi đấu.
Tương tự như vậy, khi ta thấu hiểu rằng thành phố là nhà, ta học cách bất bình trước phố đi bộ xấu xí sau đêm lễ hội ngập tràn rác, hoặc sau một buổi sáng tưng bừng vui chơi, cả công viên đầy ly trà sữa vứt ngổn ngang. Với chút bất bình bé nhỏ và sự thấu hiểu, khi đứng dậy ra về hết buổi vui chơi, ta cầm theo túi đựng đồ ăn của mình và bỏ vào thùng rác công cộng, hoặc cầm về nhà bỏ nếu nơi đó không có sẵn thùng rác.
Ta thay đổi thế giới từ những hành động nhỏ. Đô thị văn minh có cơ hội thành hình khi mỗi người cảm thấy nhói lòng vì những chiếc ghế đá ngổn ngang rác rến, đồ ăn rơi vãi. Và khi mỗi người con của thành phố dũng cảm với chính mình, “dũng cảm” cầm theo rác của mình và bỏ đúng chỗ khi rời khỏi nơi công cộng, đó là lúc gương mặt đô thị văn minh thực sự hình thành, văn minh từ thái độ, xanh sạch an toàn từ nếp sống, và ta có thể tự hào đó là thành phố của mình.
TP.HCM còn cần phải hành động rất nhiều để tạo dựng hình ảnh đô thị văn minh, xanh sạch, an toàn. Để làm được điều đó, Thanh Hà tin rằng mỗi chúng ta đều là nhân vật quan trọng để đạt được vị trí đó. Vì ta yêu nơi mình sống, và sẵn sàng hành động để tạo ra sự tự hào về hình ảnh và chất lượng sống thực sự.