1/3 chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh
Tại hội nghị, các trường ĐH chia sẻ nội dung về việc tăng cường hội nhập quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Theo báo cáo kinh nghiệm của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhà trường đã xây dựng kế hoạch gửi giảng viên đi đào tạo tại các nước có nền giáo dục tiên tiến, đồng thời xây dựng chế độ, cơ chế đãi ngộ để thu hút giảng viên có năng lực cao. Tính đến tháng 7 năm nay, trường có 639 giảng viên. Trong đó, số giảng viên được đào tạo ở nước ngoài là 409 (xấp xỉ 2/3 tổng số giảng viên); 96% giảng viên có trình độ sau ĐH.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM còn triển khai quốc tế hóa chương trình đào tạo; sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy; dịch chuyển sinh viên và giảng viên trong trao đổi học tập, nghiên cứu với đối tác nước ngoài… Theo số liệu báo cáo tại hội nghị, trường hiện có 1/3 chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh. Mỗi chương trình có sự tham gia của 1-2 giảng viên nước ngoài đến từ các ĐH uy tín trên thế giới. Sinh viên cần đạt IELTS 6.0 hoặc tương đương để đủ điều kiện ngoại ngữ tốt nghiệp chương trình này.
Số lượng sinh viên theo học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và sinh viên quốc tế học tập tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM được thể hiện như bảng sau:
Xây dựng TP.HCM thành trung tâm đào tạo thu hút sinh viên quốc tế
Trước thông tin này, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng các trường cần đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế và việc thu hút sinh viên quốc tế cần thực hiện theo nhiều bước. Ông Đức nói: “Trước hết là thu hút nhưng sau đó là giữ được một phần sinh viên quốc tế đó ở lại phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước chúng ta. Điều này, nước Mỹ, Singapore làm rất tốt”. Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bước tiếp theo là thu hút chuyên gia trình độ cao vào thị trường lao động trong nước. Những việc này có thể thực hiện ngay để xây dựng TP.HCM thành trung tâm đào tạo thu hút sinh viên quốc tế.
Nói thêm về việc thu hút sinh viên quốc tế, ông Đức lưu ý: “Cần có 2 điều kiện tối thiểu: đào tạo bằng ngôn ngữ của họ và chương trình được công nhận”. Ông cho rằng muốn thu hút được đông sinh viên cần có nhiều trường tham gia, khẳng định được sở trường của mình để tự tin giới thiệu với sinh viên nước ngoài.
Công bố định kỳ dự báo nhu cầu nhân lực trình độ quốc tế
Từ những kết quả đạt được 8 tháng đầu năm, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM-Phó chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH tại TP.HCM, nêu ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn hết năm 2023. Đáng chú ý là xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nhân lực trình độ quốc tế các ngành trọng điểm thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020-2035. Bên cạnh đó, các trường ĐH tiếp tục tham gia chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học do thành phố đặt hàng; tích cực góp ý, xây dựng các dự thảo chính sách của thành phố khi được đề nghị.
“Một trong các nhiệm vụ trọng tâm nữa là hoàn thiện công tác cấu trúc lại các Hội đồng khối ngành, bổ sung khối ngành mới liên quan ngành ‘Khoa học sự sống-Môi trường’. Trước đây, chúng tôi đề xuất khoa học sự sống nhưng số trường tham gia còn ít, việc mở rộng này để số lượng trường tham gia đóng góp nhiều hơn”, ông Tâm cho hay.
Các trường ĐH đều có thể thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Chia sẻ trong hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM-Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH tại TP.HCM, nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ vừa rồi sang thăm Việt Nam, với nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, với sự chuyển ngành công nghiệp chip bán dẫn sang đây thì câu chuyện đào tạo nhân lực đang được đặt ra rất lớn. Câu chuyện thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo và hoạt động sản xuất chip rất lớn. Do đó, cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động R&D”.
Phía các trường ĐH, ông Mãi khuyến khích các trường thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D. Ông cho rằng gần như các trường ĐH đều có thể thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có thể trung tâm của trường hoặc của thành phố đặt tại trường. Thậm chí, có thể thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt ngay tại trường ĐH… Đặc biệt, nên nghiên cứu mô hình trung tâm xuất sắc, để liên kết với các chính sách của TP.HCM. Chẳng hạn, trung tâm này có thể áp dụng được chính sách tiền lương, tiền công, các khoản hỗ trợ cho hoạt động khoa học công nghệ…